Sơn Lâm ·
1 năm trước
 2598

Rau VietGAP “rởm” tuồn vào siêu thị: Doanh nghiệp đang tự phá hủy đạo đức kinh doanh của mình (Bài 1)

Từ sự việc rau VietGAP rởm được “biến hình” vào siêu thị và Bách Hoá Xanh tiêu thụ rau xanh, câu hỏi được đặt ra ngay lúc này: Lương tâm của doanh nghiệp ở đâu? Làm thế nào để bảo vệ người tiêu dùng?

Chứng nhận rau VietGAP chưa bao giờ dễ đến thế

Mới đây, báo chí đã đưa tin về Công ty TNHH nông sản Trình Nhi (còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods) có nhà máy tại lô F2, Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng bán rau sạch rởm "biến hình" vào Winmart, Tiki ngon... Đặc biệt, trên tem của đơn vị này còn có logo biểu thị rau củ đạt chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành).

Để có mặt trên kệ hàng của siêu thị Co.op mart, các lại rau - củ - quả được kiểm soát từ nơi trồng đến nhập kho. Một lượng lớn mẫu sản phẩm sẽ được chọn ngẫu nhiên gửi các trung tâm kiểm soát kiểm định phân tích sâu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các yếu tố vi sinh theo chuẩn VietGAP. Chứng chỉ VietGAP cho sản phẩm nông sản, là niềm tự hào của các nhà sản xuất và cũng là chứng nhận niềm tin của người tiêu dùng về những sản phẩm nông sản Việt an toàn, chất lượng.

Người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn, trả giá cao hơn để mua "rau sạch", "rau an toàn" và "đạt chuẩn VietGAP" bán tại các siêu thị. Nhưng họ không thể ngờ rằng một số công ty, đơn vị phân phối đã đi gom rau ở chợ, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị.

Vậy cần làm gì để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng? Quy trình rất cần sự giám sát một cách trách nhiệm hơn nữa của nhà cung cấp, các siêu thị, cơ quan chức năng... để bảo vệ những đơn vị sản xuất rau chân chính và người tiêu dùng.

Người dân lo lắng về vấn đề minh bạch của rau củ (Ảnh minh họa)

Thấy gì ở văn hóa doanh nghiệp?

Đạo đức kinh doanh luôn đi kèm pháp luật. Đây là hai phạm trù đan xen nhau, cốt lõi được thể hiện bằng uy tín và chất lượng sản phẩm. Đạo đức kinh doanh là chuẩn mực của doanh nghiệp và doanh nhân nhưng trên thực tiễn, khái niệm này rất mong manh theo quan điểm, góc nhìn của mỗi người, mỗi doanh nhân và chông chênh trong môi trường kinh tế thị trường, kinh tế mở.

Do vậy, khi những quy định pháp luật, khâu kiểm tra chưa chặt chẽ, một số doanh nghiệp lợi dụng để xé rào lách luật. Trường hợp rau VietGAP rởm được tiêu thụ ở siêu thị và Bách Hoá Xanh, các loại nấm của Trung Quốc đã được thay đổi bao bì, nhãn mác thành hàng Việt Nam và dán tem chứng nhận VietGAP là điển hình.

Các siêu thị nên rà soát lại quy trình giám sát chất lượng các nhà cung cấp, để minh bạch chất lượng rau (Ảnh minh hoạ)

Đảm bảo chất lượng sản phẩm gắn liền với đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh, dựa trên quy trình sản xuất, kinh doanh, phân phối minh bạch, công khai và đảm bảo quyền của người tiêu dùng. Thương hiệu đích thực của doanh nghiệp được tạo nên từ chất lượng sản phẩm, uy tín và đạo đức kinh doanh.

Với người tiêu dùng đi siêu thị mong sao chọn những mớ rau xanh cho gia đình kể cả có đắt hơn một chút nhưng phải có nguồn gốc, nhãn mác cũng như chứng nhận VietGAP thì mới mua.

Từ sự việc các thương hiệu lớn gian dối khách hàng, biến rau củ quả tại chợ đầu mối thành rau VietGAP chất lượng cao đang đặt ra câu hỏi lớn: Đạo đức doanh nhân nằm ở đâu? Một số doanh nhân không thoả hiệp với khó khăn, thậm chí chấp nhận thua lỗ, phá sản, đóng cửa chứ không chịu làm chuyện vi phạm đạo đức kinh doanh. Ngược lại cũng có những người bất chấp tất cả để trục lợi đã cho thấy lằn ranh mong manh giữa đạo đức kinh doanh và lợi nhuận.

Bài học nào cho các doanh nghiệp?

Thực tế trên cho thấy, hiện nay các doanh nghiệp đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức to lớn, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh, không chỉ bằng nguồn vốn, chiến lược kinh doanh, công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, mẫu mã sản phẩm mà còn bằng uy tín, thương hiệu và đạo đức kinh doanh.

Vậy mà một bộ phận doanh nghiệp dường như vẫn chưa chú ý đến sự cần thiết và tất yếu của đạo đức kinh doanh. Với mong muốn đạt được lợi nhuận trong thời gian càng sớm càng tốt, không ít doanh nghiệp làm ăn theo kiểu “chộp giật”, “ăn xổi”, dẫn tới hiện tượng làm hàng giả khá phổ biến trên thị trường. Đã có không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp, đánh cược cả niềm tin đang dần cạn kiệt từ phía khách hàng.

Trong kinh doanh, niềm tin của người tiêu dùng là thước đo cho giá trị thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp. Khi có được niềm tin của người tiêu dùng, thì doanh nghiệp sẽ có tất cả và ngược lại, nếu đánh mất niềm tin của người tiêu dùng thì doanh nghiệp sẽ chẳng còn lại gì, nguy cơ phá sản cũng chỉ là sớm hay muộn. Điều này cũng có nghĩa, bản thân doanh nhân cần cả đạo đức và văn hóa để xây dựng doanh nghiệp, trong đó có tiêu chuẩn về thượng tôn pháp luật.

Trong các bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ giới thiệu cho quý độc giả các mặt hàng tiêu dùng xanh – sạch trong dịp Tết Nguyên Đán 2023 sắp tới. Hy vọng mọi người sẽ đón một cái Tết thật an lành và có những lựa chọn thông minh, sáng suốt.