Trả lời:
Không có một loại thực phẩm, chất dinh dưỡng, chất bổ sung riêng lẻ nào có thể ngăn chặn được sự xâm nhập của virus Sars-Cov-2 gây viêm đường hô hấp cấp. Tuy nhiên, chúng ta có thể hỗ trợ và tối ưu hóa hoạt động của hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng chế độ ăn uống cân bằng và giàu dinh dưỡng.
Theo BS. Phan Thị Hồng Diệu, sau khi tiêm chủng, chúng ta cần lưu ý bổ sung đủ những yếu tố sau:
Điều quan trọng đầu tiên chính là bổ sung nước. Bởi sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 thường xuất hiện các dấu hiệu đau sốt, vì thế việc bổ sung nước cho cơ thể lại càng có vai trò quan trọng, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng. Cung cấp đủ nước giúp điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể, đảm bảo quá trình hấp thu, chuyển hóa và đào thải của cơ thể.
Cung cấp đủ nước giúp điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể, đảm bảo quá trình hấp thu, chuyển hóa và đào thải của cơ thể
Về thực phẩm, chúng ta nên ưu tiên ăn cá. Cá rất giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể: Vitamin A, D, magie, kẽm…. Đặc biệt, một số loại cá chứa lượng lớn Omega-3: Cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi… có tác dụng chống viêm, tăng cường hệ miễn dịch.
Cá rất giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều Vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể
Ngoài cá, chúng ta nên bổ sung thêm các loại thực phẩm thực phẩm giàu Vitamin khác (như Vitamin A, C, E, D,…) và ưu tiên thực phẩm giàu kẽm.
Trong đó, thực phẩm giàu Vitamin A như gấc, khoai lang, bí đỏ, cà rốt, ớt chuông, rau bina, xoài, bông cải xanh, dầu gan cá… Vitamin A giúp tăng cường hệ miễn dịch, tham gia vào biệt hóa tế bào miễn dịch.
Nên ăn rau củ chứa nhiều vitamin để tăng sức đề kháng
Cả Vitamin C và Vitamin E đều được biết đến với vai trò chất chống oxy hóa mạnh của cơ thể, làm tăng sức đề kháng.
Vitamin C có nhiều trong hoa quả tươi và rau xanh như bưởi, chanh, cam, ổi, dâu tây, kiwi, đu đủ, bông cải xanh, bông cải trắng, ớt chuông, rau ngót, rau cải,…
Vitamin E có nhiều trong các thực phẩm nguồn gốc tự nhiên như đậu tương, giá đỗ, vừng lạc, mầm lúa mạch, dầu hướng dương, dầu ô-liu và các loại rau có lá màu xanh đậm.
Vitamin D cũng có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch, thiếu hụt Vitamin D có thể dẫn đến rối loạn điều hòa phản ứng miễn dịch của cơ thể. Nguồn thực phẩm giàu Vitamin D: Cá, trứng, sữa…
Còn kẽm là một vi khoáng cần thiết cho cơ thể, có vai trò xúc tác và cấu trúc cho rất nhiều enzym chuyển hóa trong cơ thể. Kẽm có vài trò tăng cường miễn dịch, giúp vết thương mau lành, giúp duy trì vị giác và khứu giác. Thực phẩm giàu kẽm: Sò, hàu, tôm, cua biển, ghẹ, ngũ cốc nguyên hạt…
Đặc biệt nên tránh uống rượu trước và sau khi chủng
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), người dân đặc biệt nên tránh uống rượu trước và sau khi chủng ngừa vì rượu có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch, có thể khiến cơ thể mất nước.
Tốt nhất, nên kiêng uống rượu trong vòng 1 ngày hoặc lâu hơn sau khi chủng ngừa. Rượu còn làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn trong công tác phân biệt phản ứng của rượu và phản ứng của vắc-xin.
Ngoài ra, rượu bia được chứng minh là chất làm căng thẳng hệ miễn dịch. Cụ thể, rượu có thể giúp người uống ngủ nhanh hơn nhưng lại gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng và thời lượng giấc ngủ tổng thể, tác nhân gây rối loạn chức năng miễn dịch tối ưu.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên tránh thực phẩm nhiều chất béo bão hòa. Chất béo bão hòa có trong thức ăn nhanh, thức ăn chế biến bằng cách chiên, rán, nướng nhiều dầu mỡ như: Gà rán, xúc xích, lạp xưởng, khoai tây chiên… làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây ra những tác hại cho sức khỏe.
Như vậy, sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 bạn nên uống đủ nước, tăng cường thực phẩm giàu Vitamin, khoáng chất và kẽm. Ngoài ra, bạn cần có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, kiêng bia rượu và tránh thực phẩm nhiều chất béo bão hòa để tối ưu hóa hoạt động của hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng của cơ thể sau tiêm chủng.