Mới đây, vào ngày 24/11/2022, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) vừa công bố thông tin về việc huy động thành công lô trái phiếu mã MSNH2227007 trị giá 1.700 tỷ đồng. Loại trái phiếu này không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có bảo đảm, không phải nợ thứ cấp và xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của doanh nghiệp.
Trong nghị quyết của HĐQT về việc phê duyệt phương án phát hành vào ngày 21/11, Masan cho biết lô trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm kể từ ngày phát hành với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Các trái phiếu này sẽ được chào bán trong cùng 1 đợt (dự kiến trong quý 4/2022). Thời gian đáo hạn trái phiếu là 60 tháng kể từ ngày phát hành (tương đương năm đáo hạn là 2027).
Được biết, trái phiếu này chào bán với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ, cụ thể là thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của các trái phiếu đã phát hành trước đó.
Bên cạnh đó, trái phiếu áp dụng lãi suất thả nổi, bằng 4,1%/năm cộng với lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi đó (hiện khoảng 6,4%/năm). Đợt này lãi suất của các khoản trái phiếu doanh nghiệp do Masan phát hành ra công chúng sẽ khoảng hơn 10%/năm.
Masan cũng đã huy động thành công 2 lô trái phiếu trị giá 1.500 tỷ đồng hồi cuối tháng 9 với mã MSNH2227003 và MSNH2227004 với giá trị lần lượt là 700 tỷ và 800 tỷ đồng. Như vậy, Masan đã phát hành thành công 3.200 tỷ đồng trái phiếu nội địa trong năm tính đến thời điểm hiện tại.
Hiện tại, công ty mẹ Masan Group có dư nợ trái phiếu là 19.500 tỷ đồng. Trong đó, có 14.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn thanh toán vào tháng 3 và tháng 8/2023, 4.000 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 1/2024. Masan Group cũng đang có khoản nợ hơn 15.000 tỷ trái phiếu không có đảm bảo.
Theo dữ liệu từ HNX, trong hai tháng gần đây có khá ít đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ được thực hiện. Đầu tháng 11, hai đợt phát hành thành công của City Auto và Đầu tư Đức Trung có giá trị khá nhỏ, lần lượt là 50 tỷ và 100 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Thị trường trái phiếu vào hồi tháng 10 chỉ ghi nhận một đợt phát hành riêng lẻ nội địa bởi công ty con của Masan - Công ty Khai Thác Chế Biến Khoáng Sản Núi Pháo với giá trị phát hành đạt 210 tỷ đồng trong kỳ hạn 5 năm.
FiinRatings cho biết, động thái mua lại trái tiếp tục gia tăng, khiến trong tháng 10 dư nợ trái phiếu nội địa giảm hơn 15.800 tỷ đồng. Được biết, giá trị mua lại và đáo hạn lần lượt là 5.810 tỷ và 10.230 tỷ đồng.
Mới đây, tập đoàn Masan cũng vừa công bố đã nhận khoản vay hợp vốn trị giá 600 triệu USD từ 37 tổ chức tài chính quốc tế. Giao dịch được sắp xếp bởi BNP Paribas, Credit Suisse, HSBC và Standard Chartered Bank với kỳ hạn 5 năm. Khoản vay bằng USD có lãi suất 2,9%, cộng với lãi suất tham chiếu SOFR, tương đương lãi suất 6,7%/năm.
Được biết đây là khoản vay có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Phía MSN cũng cho biết, trong bối cảnh lãi suất tăng, việc tăng vay bằng USD có dẫn đến rủi ro ngoại hối lớn hơn. Theo đó, nhằm giảm thiểu rủi ro thị trường Công ty sẽ chủ động theo dõi và đánh giá thời điểm thích hợp để thực hiện các giao dịch phái sinh và vẫn duy trì chi phí vốn một cách tối ưu.
Trên thực tế, loạt doanh nghiệp lớn Việt Nam đã tìm đến dòng vốn ngoại khi dòng vốn nội địa bị thu hẹp. Về phía MSN, Công ty chia sẻ là nhờ sự cải thiện về kết quả kinh doanh ở các mảng kinh doanh tiêu dùng và bán lẻ cốt lõi, từ đó thu hút được vốn mạnh.
Kể từ khi thành lập The CrownX vào cuối năm 2019, nền tảng hợp nhất mảng bán lẻ WinCommerce (WCM) và tiêu dùng Masan Consumer Holding (MCH), Masan đã cải thiện đáng kể khả năng tạo ra dòng tiền vững chắc của TCX.
Dự kiến cả năm 2022, EBITDA của The CrownX so với năm 2019 sẽ tăng gấp 3 lần (giả định hợp nhất WCM và MCH trong cả năm), chủ yếu nhờ mảng kinh doanh bán lẻ cải thiện lợi nhuận kể từ khi được Masan vận hành.