Bích Ngọc ·
47 tuần trước
 5764

Lại thêm một nhà băng chi 1.500 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn

Mới đây, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HoSE: TPB) đã có báo cáo kết quả mua lại trái phiếu trước hạn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Theo đó, TPBank vào ngày 26/5 đã mua lại trước hạn toàn bộ 500 tỷ đồng đang lưu hành của mã TPBL2225007 được phát hành ngày 26/5/2022. Đến ngày 31/5, TPBank tiếp tục mua trọn 1.000 tỷ đồng trái phiếu của mã TPBL2124006, được phát hành ngày 31/5/2021. Được biết, cả 2 lô trái phiếu trên đều có thời hạn 3 năm.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Trước đó, từ ngày 15/5 đến ngày 25/5, nhà băng này đã mua lại toàn bộ 4.000 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của các mã TPBL2124003, TPBL2225001, TPBL2225002, TPBL2225003, TPBL2225004, TPBL2225005.

Ngoài TPBL2124003 được phát hành vào năm 2021 và dự kiến thời gian đáo hạn vào năm 2024 thì tất cả các lô còn lại được phát hành vào tháng 5/2022, có thời hạn 3 năm và phải đến tháng 5/2025 mới đáo hạn.

Ở một diễn biến khác, vào ngày 23/5 Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận TPBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.198 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu phổ thông với mục đích tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu theo phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 thông qua.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của TPBank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành gần 620 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông (tương đương tỷ lệ 39,19%). Theo dự kiến, thời gian phát hành là trong năm 2023 và còn tùy thuộc vào quá trình xem xét, phê duyệt hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền.

Nguồn tiền dùng để tăng vốn là 6.199 tỷ đồng, trong đó bao gồm 2.561 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và 3.638 tỷ đồng lợi nhuận để lại chưa phân phối. Vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng từ 15.817 tỷ đồng lên 22.016 tỷ đồng sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu.

Cũng tại đại hội, cổ đông ngân hàng đã có câu hỏi về lý do tỷ lệ tăng vốn điều lệ được HĐQT trình hiện tại là hơn 39%, tại sao không phải là 50% trong khi sức tăng của TPBank còn rất thoải mái, lợi nhuận giữ lại vẫn đủ?

Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết, việc đưa ra con số tỷ lệ tăng vốn này, HĐQT phải căn cứ vào khả năng của vốn chủ sở hữu của nhà băng, phần vốn muốn tăng thêm lấy từ nguồn lợi nhuận để lại.

Chủ tịch TPBank cho hay, đã cân nhắc và cảm thấy mức 39% lên hơn 22.000 tỷ đồng là phù hợp và không muốn tăng hết tất cả mà để lại một phần dự trữ. Đây là mức tăng khá cao, bình thường các nhà băng sẽ tăng vốn điều lệ khoảng dưới 20%.

Bên cạnh đó, có nhiều phương án phân phối với phần lợi nhuận để lại như tăng vốn chủ, đầu tư. Nhà băng này sẽ sử dụng lợi nhuận làm ra được để chia cho các cổ đông làm sao để phần còn lại đảm bảo ngân hàng hoạt động ổn định.

Cũng trong ngày 25/4, TPBank đã công bố Nghị quyết của HĐQT thông qua việc triển khai, góp vốn mua lại cổ phần của công ty con hoạt động trong lĩnh vực quản lý quỹ.

Ngoài ra, TPBank đã có báo cáo cổ đông về việc tham gia tái cơ cấu Công ty Tài chính cổ phần Handico (HAFIC), tuy nhiên theo phương án hỗ trợ, doanh nghiệp này tự phục hồi. Trên cơ sở chỉ đạo của NHNN, TPBank sẽ có thêm một công ty tài chính vào hệ sinh thái khi các thủ tục hoàn tất. Việc mua lại công ty quản lý quỹ, góp vốn vào công ty chứng khoán cũng hướng tới mục tiêu mở rộng hệ sinh thái tài chính cho nhà băng.

Về tình hình kinh doanh của TPBank, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.413 tỷ đồng trong quý 1/2023, so với cùng kỳ 2022 tăng 8,8%.  Tính tới ngày 31/3/2023, trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản ngân hàng đạt 343,5 nghìn tỷ đồng, so với đầu năm tăng 4,5%. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,2% (lên 170,66 nghìn tỷ đồng).

Trong quý, TPBank đã ghi nhận thu nhập lãi thuần sụt giảm 3,34% so với cùng kỳ (đạt gần 2.737 tỷ đồng). Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 36% (đạt 695 tỷ đồng). Tăng "đột biến" là lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, tới 370% lên 151 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối tháng 3, tỷ lệ nợ xấu đang ở mức 1,45%, tăng so với mức 0,84% hồi đầu năm.

Về phía nguồn vốn, tại thời điểm cuối tháng 3, tiền gửi khách hàng của TPBank đạt 201 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm, tiền gửi và vay các TCTD khác cũng tăng 12,5% (lên 82,7 nghìn tỷ đồng).

Tạ Ngọc