Bích Ngọc ·
29 tuần trước
 9939

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm?

Nhìn vào Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 86,4 nghìn doanh nghiệp, so với cùng kỳ năm trước tăng 12,2%.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tháng 4 năm 2024, cả nước có hơn 15,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 175,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký hơn 95 nghìn lao động, tăng 8,4% về số doanh nghiệp, tăng 55% về vốn đăng ký và giảm 9% về số lao động so với tháng 3/2024. 

So với cùng kỳ năm trước, giảm 4,1% về số doanh nghiệp, tăng 13,7% về số vốn đăng ký và giảm 20,2% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 11,5 tỷ đồng, tăng 42,9% so với tháng trước và tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước.

Cả nước còn có 8.307 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 175,1% so với tháng trước và giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Tính chung 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 51,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 508 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 353,8 nghìn lao động, tăng 3,4% về số doanh nghiệp, tăng 9,3% về vốn đăng ký và tăng 6,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong bốn tháng đầu năm 2024 đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu tính cả 533,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 14.143 doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong bốn tháng đầu năm 2024 là 1.041,3 nghìn tỷ đồng, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, có hơn 29,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong bốn tháng đầu năm 2024 lên 81,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 20,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo khu vực kinh tế, 4 tháng đầu năm 2024 có 507 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước; 12,5 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 4%; 38,6 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 3,2%.

Cũng trong tháng 4, có 7.618 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 84,1% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2023; có 4.656 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 6,5% và giảm 20,2%; có 1.344 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,8% và giảm 10,9%.

Tính chung 4 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 60,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước; 19,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 9%; 6,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 4,9%. Bình quân một tháng có 21,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Thống kê này cho thấy nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, doanh nghiệp gia tăng rời bỏ thị trường vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm... Tuy nhiên cũng có không ít doanh nghiệp vẫn đủ sức tiếp tục trụ lại thị trường, thậm chí còn có thể mở rộng năng lực đầu tư, gia tăng sản xuất, góp phần vào ngân sách nhà nước.

Tổng cục Thống kê cho rằng để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ, phục hồi và phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội đất nước trong năm 2024 thì cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tiếp tục triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh để tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Không để phát sinh thủ tục, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mới không cần thiết, không phù hợp, thiếu tính khả thi.

Tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các loại thị trường. Đồng thời, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ trong các ngành công nghiệp chiến lược và trong lĩnh vực mới nổi như công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, chip và chất bán dẫn…

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7742957909097231