Như DĐDN đã thông tin, từ giữa năm 2022, nhiều ngành xuất khẩu chủ lực gặp khó khăn khi lượng đơn hàng sụt giảm trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ chỉ có đơn hàng tới hết tháng 4 hoặc lạc quan hơn là tới tháng 6, trong khi mọi năm là hết tháng 12. Đáng lo là đơn hàng có nguy cơ vào tay các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam.
Trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may ước đạt hơn 8,7 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022.
Doanh nghiệp giảm kế hoạch năm
Đối mặt với bức tranh ảm đạm nầy, nhiều giải pháp đã được doanh nghiệp nỗ lực áp dụng để tìm kiếm đơn hàng mới, giữ lực lượng lao động, đảm bảo thu nhập cơ bản cho công nhân… Song đây cũng là lúc doanh nghiệp cần các chính sách trợ lực bên cạnh việc tự thân xoay xở.
Theo ông Thân Đức Việt, năm 2023, doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng tương đối lớn của việc nhu cầu tiêu dùng giảm sút, sau dịch chưa kịp hồi phục, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đẩy giá năng lượng và lạm phát lên toàn cầu khiến chững lại và sụt giảm các đơn hàng xuất khẩu.
Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) ghi nhận, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may ước đạt hơn 8,7 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022.
Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý I và dự báo quý II/2023 được Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, có 59,9% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2023 tăng và giữ nguyên so với quý IV/2022 (16,9% tăng, 43% giữ nguyên), tỷ lệ nhận định có đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm là 40,1%. Như vậy, doanh nghiệp khá bi quan về lượng đơn hàng mới.
Ngoài ra, mặt hàng dệt may sẽ bị cạnh tranh bởi các đối thủ vừa được ký gia hạn hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập như: Bangladesh, Sri Lanka, Campuchia, El Salvador, Haiti, Ai Cập...
CEO May 10 chỉ ra nguyên nhân khiến đơn hàng quý I/2023 sụt giảm là do nhu cầu tiêu dùng giảm sút, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraina đã đẩy giá năng lượng và lạm phát trên toàn cầu lên cao. Với tình hình thị trường xuất khẩu kém tích cực, năm nay, Tổng công ty cổ phần May 10 đặt kế hoạch doanh thu 4.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 26,7% so với kết quả ghi nhận trong năm 2022.
Câu chuyện tương tự tại một “ông lớn” khác của ngành dệt may là Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG. Trước thềm đại hội cổ đông thường niên (dự kiến diễn ra vào ngày 23/4), lãnh đạo TNG cho biết, đầu tháng 4, Công ty đã điều chỉnh các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận của năm 2023 theo hướng thấp hơn nhiều so với kế hoạch trước đó. Cụ thể, với doanh thu 6.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 299 tỷ đồng. So với mức thực hiện năm ngoái, chỉ tiêu doanh thu đi ngang, trong khi lợi nhuận chỉ tăng không đáng kể.
Tại Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, tình hình khó khăn của thị trường xuất khẩu đã phản ánh trên kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm. Cụ thể, doanh thu 2 tháng đạt 21 triệu USD, tương đương 74% cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 1,178 triệu USD, tương đương 70% cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 3, Công ty mới nhận khoảng 80% kế hoạch đơn hàng trong quý II và đang tiếp nhận đơn hàng cho quý III.
Tái cấu trúc hoạt động
Trước thực tế này, để tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới, Lãnh đạo May 10 nhận định, các doanh nghiệp cần tái cấu trúc và định vị lại thương hiệu, sản phẩm.
Doanh nghiệp cho biết tái cấu trúc theo hướng áp dụng chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh để đáp ứng tiêu chuẩn và phát triển.
"Những doanh nghiệp đã có vị thế trên thị trường xuất khẩu cần nhận định lại vị thế của mình. Bởi, những vị thế đó có thể đúng trong quá khứ, đúng hoặc không đúng trong tương lai, nhưng với biến động rất mạnh của thị trường, chúng tôi đang tập trung vào định vị lại sản phẩm, thị trường, quản trị, công nghệ, mô hình sản xuất và tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác, đầu tư mới", ông Thân Đức Việt cho hay.
Theo đó, đây là lần May 10 phải rốt ráo tái cấu trúc toàn diện hiếm có. “May 10 sẽ định vị lại doanh nghiệp với việc áp dụng chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh để đáp ứng tiêu chuẩn và phát triển, bao gồm việc định vị về sản phẩm, thị trường và về quản trị, công nghệ, mô hình sản xuất”.
Theo ông, nếu doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm sẽ không có đơn hàng xuất khẩu.
"Chúng tôi xác định sẽ là một nhà sản xuất xanh, dùng năng lượng và nhiên liệu, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc xanh, như sản phẩm từ hữu cơ hay sợi tái chế, đặc biệt sử dụng nhà máy xanh; tập trung tỉ trọng tăng trưởng về sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường và tăng theo năm - dù tỉ lệ còn nhỏ nhưng đây sẽ là xu thế trong tương lai", Thân Đức Việt cho biết.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tăng cường sử dụng điện mặt trời áp mái, hợp tác với tập đoàn năng lượng lớn để giảm chi phí đầu tư. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cần nguồn vốn khá lớn. Do đó, doanh nghiệp cần có lộ trình thực hiện chuyển đổi xanh.
"Để tiếp sức cho doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện quyết liệt các giải pháp như giảm lãi suất cho vay, đơn giản hoá các thủ tục hành chính... Đây là những "liều thuốc" kịp thời để doanh nghiệp có cơ hội tập trung đầu tư cho sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động", ông Việt nói.
Trong khi đó, để cải thiện tình hình, TNG cho biết có hướng điều chỉnh thị trường. Cụ thể, trước sức cầu ở thị trường truyền thống như Mỹ và EU sụt giảm, Công ty đẩy mạnh đơn hàng vào các thị trường khác. Hiện doanh số xuất khẩu của TNG sang Canada đạt mức tăng trưởng tốt, phần nào bù đắp được cho sự sụt giảm đơn hàng vào Mỹ. Ngoài ra, tại thị trường Nga, khách hàng của TNG đang phát triển tốt cũng là một yếu tố thuận lợi.
Nhấn mạnh tới các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quốc Phương cũng cho rằng, khi xuất khẩu gặp khó khăn thì vai trò của thị trường trong nước rất quan trọng. Phải áp dụng tất cả giải pháp để khuyến khích thị trường trong nước phát triển hơn.
Để giữ nhịp độ sản xuất, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viên Tài chính - cho rằng, các doanh nghiệp nên chuyển hướng sản xuất sang những mặt hàng giá trị thấp hơn. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại vào các thị trường trọng điểm xuất khẩu hoặc đang có lợi thế xuất khẩu như Châu Âu, Ấn Độ... Tăng cường công tác dự báo, thông tin về thị trường xuất khẩu, cũng như kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu thực thi những quy định mới phát sinh, tăng khả năng ứng phó hiệu quả.
Về phía mình, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực quản trị, chủ động hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh kết hợp với triển khai chuyển đổi số, chủ động đầu tư vào công nghệ mới, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Đó là những giải pháp căn cơ tạo tiền đề cho sản xuất xanh để từ đó tiết kiệm chi phí đầu vào, tồn tại và phát triển bền vững trên thị trường.