Bích Ngọc ·
8 tuần trước
 10436

Tại sao tình trạng chậm trả nợ trái phiếu vẫn tiếp diễn?

Hiện những người đang nắm trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm nay phải lo lắng trước tình trạng chậm trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp diễn.

Năm 2023, sự gia tăng đột biến các vụ chậm trả nợ trái phiếu không những gây áp lực lên những doanh nghiệp có nền tảng tài chính không vững mạnh mà còn làm cho cho toàn bộ thị trường đứng trước những nguy cơ tiềm ẩn. 

Tình trạng chậm trả nợ trái phiếu cũng cho thấy những điểm yếu tiềm ẩn trong cơ cấu nợ của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn sức cầu của thị trường yếu và hoạt động kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, khiến tình hình tài chính tổng thể trở nên phức tạp hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Hậu quả của tình trạng này đã giới hạn ở khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp, đồng thời cũng làm ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị thị trường của họ. Sự suy giảm này có thể dẫn đến một chu kỳ tiêu cực, tăng rủi ro cho cả nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng cho vay khi họ phải đối mặt với khả năng mất vốn và sự không chắc chắn.

Tổng giá trị của các trái phiếu chậm trả cả gốc và lãi đạt gần 198.500 tỷ đồng vào quý 4 năm 2023. Đa phần các doanh nghiệp chậm trả thuộc về các ngành đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó bất động sản, hàng tiêu dùng và công nghiệp đứng đầu. 

Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng yếu và kết quả hoạt động kinh doanh kém dẫn đến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì dòng tiền và đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình.

Trong thời gian vừa qua, bất động sản là một trong những ngành đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng. Các doanh nghiệp này sử dụng khối lượng lớn nguồn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp, do đó áp lực trả nợ đúng hạn vô cùng lớn. 

Theo đó, có 61 doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản đã chậm trả nợ với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả lên tới 96.000 tỷ đồng, tương đương với 50% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả của tất cả các doanh nghiệp. Riêng phần dư nợ gốc và lãi chậm trả của ngành bất động sản đã chiếm tới 60%. Qua đó đã phản ánh rõ ràng sự khó khăn mà ngành bất động sản đang phải đối mặt, nhất là trong việc duy trì khả năng thanh toán nợ trái phiếu đúng hạn.

Trong thời gian sắp tới, tình hình nợ xấu liên quan đến trái phiếu có khả năng sẽ tiếp tục gia tăng, với hơn 250.000 tỷ đồng nợ cần phải được thanh toán trong năm nay. Điều này có thể kéo dài cho đến khi triển vọng kinh doanh bắt đầu thấy những cải thiện đáng kể.

Riêng trong tháng 2 năm 2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm thanh toán là 3.100 tỷ đồng, tính lũy kế đến cuối tháng 2, tổng dư nợ chậm trả lên đến 16.868 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ. 

Doanh nghiệp bất động sản vẫn có sức khỏe tài chính ở mức kém

Tình trạng chậm trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp trong ngành bất động sản thực sự là một vấn đề đáng lo. Bởi điều này không chỉ ảnh hưởng đến chính họ, mà còn có thể làm mất lòng tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung và tác động tiêu cực đến thị trường tài chính. 

Tình trạng này nếu vẫn tiếp diễn, nó có thể dẫn đến việc tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro. Khi đó, các nhà băng và tổ chức tài chính có thể phải đối mặt với áp lực tăng cường dự phòng rủi ro và xem xét lại các khoản vay đã cấp. Điều này cũng có thể dẫn đến việc siết chặt tín dụng, việc tiếp cận nguồn vốn từ đó trở nên khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Mỗi doanh nghiệp lại cho thấy khó khăn đến từ các nguyên nhân khác nhau. Có công ty gặp vấn đề trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính rất cao để tài trợ cho các dự án, chỉ số nợ trên vốn sở hữu (D/E) quá cao so với mức D/E của ngành quản lý và phát triển bất động sản. Trong tình hình thanh khoản bất động sản vẫn chưa hồi phục, việc duy trì quy mô nợ quá lớn lại dẫn đến gánh nặng chi phí lãi vay tăng cao, gây suy giảm khả năng trả nợ.

Có những công ty khác thì gặp vấn đề với nguồn thu từ hoạt động kinh doanh nên lợi nhuận tạo ra từ kinh doanh đang không thể trang trải được lãi vay phát sinh.

Mặc dù dư nợ trái phiếu đáo hạn năm nay đã giảm đáng kể gần đây do việc nhiều đơn vị phát hành thực hiện mua lại trong năm 2023, tuy vậy áp lực cho thị trường vẫn là rất lớn, nhất là cho nhóm ngành bất động sản. Mặc dù có những hỗ trợ tháo gỡ khó khăn từ phía Chính phủ, tuy nhiên mấu chốt quan trọng vẫn là khả năng tái cấu trúc hoạt động kinh doanh về các dòng sản phẩm để đảm bảo phù hợp nhu cầu thị trường và việc tái cơ cấu lại hoạt động đầu tư để có thể tạo ra dòng tiền duy trì kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7558957427497281/?