Bích Ngọc ·
6 tuần trước
 9973

Áp lực đáo hạn trái phiếu cao hơn nhiều so với các con số đã phản ánh?

Trong tháng 3 năm 2024, dự tính sẽ có khoảng 23,07 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, so với tháng trước tăng 372%.

Trong tháng 2 năm 2024 thị trường trái phiếu doanh nghiệp duy trì tình trạng ảm đạm khi tổng giá trị phát hành chỉ đạt 1.165 tỷ đồng (so với tháng trước giảm 45,8%), với kỳ hạn bình quân là 2,87 năm. Trong đó, chỉ có 3 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ do 3 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành xây dựng, vận tải cảng biển và thương mại dịch vụ.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Theo đó, nguyên nhân thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm trong 2 tháng đầu năm phần lớn đến từ việc một số điều khoản trong Nghị định 65 có hiệu lực trở lại khiến cho quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp khắt khe hơn.

Công ty Chứng khoán KBSV cho rằng khối lượng phát hành sẽ khởi sắc hơn vào nửa cuối năm nay khi kinh tế ấm lên, thị trường bất động sản hồi phục và theo đó các nút thắt của thị trường TPDN cũng dần được gỡ bỏ.

Đáng chú ý, áp lực trên thị trường gia tăng khi lượng trái phiếu đến hạn tăng mạnh. Trong tháng 3, dự tính sẽ có khoảng 23,07 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, tăng 372% so với tháng trước. Trong đó, chiếm 63% là nhóm Bất động sản, Thương mại dịch vụ chiếm 10% và nhóm Xây dựng chiếm 9%.

Tính cả năm nay, ước tính có khoảng 279 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, hơn 115 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản (chiếm 41,4%), tiếp theo là nhóm tổ chức tài chính với hơn 81 nghìn tỷ đồng (chiếm 29%).

Lưu ý rằng, số liệu trên chưa tính những khoản đáo hạn “lần 2” sau khi được gia hạn. Do đó, so với con số trên phản ánh, áp lực đáo hạn trong năm 2024 thực chất sẽ cao hơn.

Thêm vào đó, giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp và hoạt động mua lại tiếp tục giảm.

Ở thị trường thứ cấp, trong 2 tháng đầu năm 2024 quy mô giao dịch giảm dần, đạt 60 nghìn tỷ đồng, tương ứng giảm 20% so với tháng trước. Trong tháng 2, hoạt động mua lại trái phiếu cũng chậm lại với khối lượng trái phiếu doanh nghiệp mua lại đạt 2.494 tỷ đồng (giảm 60% so với năm trước).

Tuy nhiên, KBSV cũng nhận định trong các tháng tiếp theo hoạt động mua lại sẽ cải thiện khi tình hình kinh doanh cải thiện hơn, bên cạnh đó mặt bằng lãi suất thấp cũng là động lực để các doanh nghiệp gia tăng mua lại các trái phiếu phát hành với lãi suất cao trong giai đoạn trước.

Theo Báo cáo của VIS Rating, giá trị trái phiếu có rủi ro cao sẽ chậm trả gốc/lãi trong năm 2024 là 40.000 tỷ đồng, chiếm 19% lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024, con số này thấp hơn đáng kể so với 147.000 tỷ đồng trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh trong năm 2023.

Xu hướng giảm này là do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cải thiện và khả năng tiếp cận các nguồn tài chính mới tăng lên, nhất là đối với nhóm ngành có tỷ lệ chậm trả cao như Bất động sản, Xây dựng và Năng lượng nhờ vào các chính sách hỗ trợ và môi trường lãi suất thấp.

Theo đó, khoảng 40.000 tỷ đồng trái phiếu có rủi ro cao đến từ 35 tổ chức phát hành, đa phần là các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng. Các doanh nghiệp này nhìn chung có khả năng trả nợ ở mức rất yếu, thể hiện bởi tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức rất cao, nguồn lực tiền mặt/giá trị trái phiếu đáo hạn thiếu hụt, biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) ở mức thấp so với các tổ chức phát hành khác.

Bên cạnh đó, VIS Rating cũng xác định được có 17 trong 35 tổ chức phát hành có rủi ro cao (chiếm khoảng 61% giá trị trái phiếu rủi ro chậm trả gốc/lãi) là các SPEs (công ty phục vụ mục đích đặc biệt) được thành lập chỉ cho mục đích huy động vốn, trong khi hầu như không có doanh thu và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Những SPEs này có liên quan đến 6 nhóm công ty lớn, trong đó có 3 nhóm đã gặp tình trạng chậm trả gốc/lãi ở các đối với các trái phiếu khác.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7555250167868007/?