Huyền My ·
1 năm trước
 5847

Tầm quan trọng của quy hoạch đường vành đai 4 Hà Nội - Vùng Thủ đô

TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đây sẽ là tuyến "Vành đai kết nối mọi vành đai", tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp bách, góp phần mở rộng không gian phát triển Thủ đô, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (Ảnh: VGP)

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dài gần 113 km đi qua 3 tỉnh thành là: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Riêng trên địa bàn Hà Nội, Vành đai 4 sẽ có trên 58 km đi qua 7 quận, huyện gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông. Đến thời điểm này, Tp Hà Nội đã bàn giao chỉ giới đường đỏ của 2 trong số 4 đoạn tuyến. Đây chính là cơ sở quan trọng để các đơn vị và các quận huyện cắm mốc giới trên thực địa và triển khai giải phóng mặt bằng.

Theo Quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 7 tuyến đường vành đai kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận. Khi hoàn thành, 7 vành đai này sẽ góp phần nâng tầm vị thế của Thủ đô.

Riêng vành đai 4 có thể coi là "Vành đai kết nối mọi vành đai", tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô. Bởi nó sẽ tạo nên không gian phát triển mới cho Hà Nội và các tỉnh trong Vùng Thủ đô, đặc biệt còn được gọi là "lối thoát" cho ùn tắc giao thông của Hà Nội. Vốn cho dự án là vấn đề quan trọng bậc nhất đảm bảo cho dự án không bị "lỗi hẹn". Với dự án Vành đai 4, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng hơn 85.000 tỷ đồng.

Theo tính đoán sơ bộ, trung bình mỗi km trong dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô lên tới cả trăm tỷ đồng cùng với đó là phương án tài chính tính toán khả thi với thời gian thu phí khoảng 21 năm. Do đó bên cạnh triển khai dự án, việc khai thác hiệu quả dự án cũng là vấn đề rất đáng được quan tâm.

Thời gian dự kiến thực hiện từ 2021- 2028.

Lãnh đạo cả 7 quận, huyện có Vành đai 4 đi qua đều khẳng định và cam kết sẽ thực hiện bằng được tiến độ theo kế hoạch đã đề ra, bàn giao từ 70% mặt bằng trở lên trước ngày 30/6/2023 và bàn giao 100% mặt bằng trong năm 2023. Trong đó, có một số địa phương phấn đấu sẽ hoàn thành trước thời hạn từ 1 - 3 tháng.

Về tình hình thực hiện, theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, đến tháng 2/2023, TP. Hà Nội Đã di chuyển trên 48 % các ngôi mộ trong diện giải phóng mặt bằng; phê duyệt và thu hồi 236,82/796,766 ha (29,3%); đã chi trả trên 1.900 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng.

Trên cơ sở đồng thuận, sự ủng hộ của nhân dân, TP. Hà Nội quyết tâm với ý chí cao nhất để triển khai thực hiện dự án, bảo đảm tiến độ, chất lượng, về đích đúng kế hoạch, qua đó khơi dậy sự phát triển chung của Vùng Thủ đô, trước hết là những địa bàn nơi dự án đi qua.

Sau Vành đai 4 thì Vành đai 5 cũng sẽ được hình thành, mạng lưới giao thông của Thủ đô sẽ trọn vẹn, sẽ trở thành động lực lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Quan trọng là phải đảm bảo được tiến độ để không lỡ hẹn với những cơ hội rất mạnh mẽ ở phía trước.