Lan Anh ·
2 năm trước
 6815

Tận dụng rác thải thực phẩm để bảo vệ môi trường

Việc tận dụng rác thải thực phẩm như một nguồn tài nguyên là xu hướng chung của cả thế giới để vận hành một nền kinh tế tuần hoàn, hạn chế các tác động gây ô nhiễm môi trường và tận dụng phế phẩm thành nguyên liệu.

Nguy cơ ô nhiễm cao

Với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, ngành chế biến thực phẩm trở thành một trong những ngành công nghiệp phát triển với những quy trình xử lý ngày càng nghiêm ngặt, khoa học. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất và sau khi sử dụng, rác thải thực phẩm nếu không được phân loại, xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn tài nguyên.

Ước tính mỗi năm có tới 100 triệu tấn rác thực phẩm được thải ra từ các quá trình của ngành công nghiệp chế biến trên toàn thế giới. Trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm, chất thải rắn nông sản chế biến thường phát sinh từ các công đoạn bóc gọt, rửa, luộc, cắt và từ các sản phẩm phụ như bã ép, vỏ. Còn giết mổ gia súc gia cầm hay chế biến thủy hải sản thì nguyên liệu gần như được tận dụng hết và chỉ có sinh khối nhầy, vây, lông và những phần thừa nội tạng. Đối với các loại rác thải phát sinh từ hoạt động chế biến thực phẩm có nguồn gốc động vật, rủi ro về vệ sinh thường lớn hơn, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, cá, thịt gia súc và gia cầm là những nguồn sản sinh rác thải thực phẩm có nguồn gốc động vật lớn nhất. Loại rác này có hàm lượng protein rất cao nên không thể thải bỏ trực tiếp ra môi trường mà chưa qua xử lý. Rác thải thực vật lớn nhất từ ngũ cốc, hoa quả và rau. Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng các đồ dùng đóng hộp, có sẵn của con người cũng gia tăng đáng kể nên những chất thải từ ngành chế biến thực phẩm cũng ngày một tăng cao, khiến cho việc xử lý trở nên phức tạp và kỳ công hơn.

Không những thế, nếu ở khu vực ngoại thành, rác thải thực phẩm được người dân tận dụng làm phụ phẩm nông nghiệp hoặc thức ăn trong chăn nuôi thì ở nội thành, các hộ gia đình đều gom chung với rác sinh hoạt.

Ảnh minh họa.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, GS.TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng khoa học và Kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, rác thải thực phẩm là một vấn đề của toàn cầu, một trong những nguyên nhân gây nên ô nhiễm môi trường sống hiện nay. Khí metan từ rác thải thực phẩm tạo ra 3,3 tỉ tấn khí nhà kính mỗi năm và chiếm khoảng 7% tổng lượng khí thải. Việc xử lý chất thải nói chung không đúng cách còn gây ô nhiễm đất và nguồn nước.

“Nếu không kiểm soát tốt cũng như không có biện pháp xử lý phù hợp, khoa học ngay từ trong quá trình sản xuất và sau khi sử dụng, hệ quả từ rác thải thực phẩm không hề nhỏ”, GS.TS Đặng Kim Chi nhấn mạnh.

Tận dụng rác thải thực phẩm như một nguồn tài nguyên

Theo Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng Trần Thị Hương nhận định, cần tận dụng rác thải thực phẩm như một nguồn tài nguyên. Đây là xu hướng chung của cả thế giới để vận hành một nền kinh tế tuần hoàn, hạn chế các tác động gây ô nhiễm môi trường và tận dụng phế phẩm thành nguyên liệu.

“Việc tận dụng hiệu quả các phế phụ phẩm trong chế biến thực phẩm như trấu, cám, mật rỉ, bã mía, nội tạng, mỡ cá, sinh khối nhầy, vỏ giáp xác... bằng áp dụng khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào khâu tái sản xuất cũng như đầu tư, xử lý chất thải; thực hiện sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng chính là gia tăng giá trị thặng dư bằng tận thu tái tạo tài nguyên, đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ môi trường” - bà Trần Thị Hương nhìn nhận.

Trước thực trạng ô nhiễm nhưng khó quản lý của rác thải thực phẩm, GS.TS Đặng Kim Chi cho rằng, cần có biện pháp căn cơ, khoa học, phù hợp thực tiễn. Trước hết phải kiểm soát ngay từ nguồn sản xuất, ngăn chặn những chất độc hại có trong sản phẩm từ nguồn phát sinh ra chất thải. Khi giải pháp này được kiểm soát tốt, chất thải thực phẩm sẽ được tái sử dụng, tái chế thành thức ăn chăn nuôi, phân bón vi sinh…

Cùng với đó, cần phải kiểm soát gắt gao các nguồn chất thải thực phẩm. Đồng thời, đòi hỏi sự đóng góp của khoa học, khi chất thải thực phẩm đã bị nhiễm độc và cần xử lý thì phải tìm giải pháp tách hoặc vô hiệu hóa độc chất đi theo chất thải thực phẩm trước khi đưa nó tái chế thành thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ…

Trên thế giới, có nhiều quốc gia đã “luật hóa” định hướng này. Tiêu biểu như Nhật Bản có Luật tái chế thực phẩm 2015 yêu cầu trách nhiệm tái chế đến 95% đối với cơ sở chế biến thực phẩm, 70% đối với doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, 55% đối với cửa hàng bán lẻ thực phẩm và 50% đối với quán ăn. Hành vi cố tình vứt bỏ thực phẩm số lượng lớn, gây ô nhiễm môi trường có thể bị áp dụng hình phạt hết sức nghiêm khắc.

Nguồn