Lan Anh ·
3 năm trước
 1802

Tăng cường công tác bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam

Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến một thời kì mà tốc độ suy thoái đa dạng sinh học diễn ra chóng mặt, có thể thấy tốc độ này là chưa từng có trong lịch sử. Tình trạng săn bắt, giết, mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp đang diễn biến hết sức phức tạp.

Các loài động, thực vật hoang dã có vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, bảo đảm các hệ sinh thái là những hệ thống hoàn chỉnh, góp phần cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững, mang lại lợi ích trực tiếp cho con người.

Việc tăng cường công tác bảo vệ loài hoang dã là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tácbảo tồn đa dạng sinh họcHệ thống pháp luật rõ ràng, truyền thông thay đổi hành vi, thực thi pháp luật hiệu quả được coi là 3 yếu tố quyết định thành công của một chiến dịch bảo tồn.

TTXVN giới thiệu chùm 4 bài viết “Chung tay bảo vệ loài hoang dã tại Việt Nam.

động vật hoang dã

Voi ở Tây Nguyên. (Nguồn ảnh: PV/Vietnam+)

Bài 1: Đối mặt với xu hướng suy giảm

Theo nhận định của Ủy ban Liên Chính phủ Liên hợp quốc tại Báo cáo đánh giá toàn cầu về Đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái, tốc độ suy thoái đa dạng sinh học đang diễn ra là chưa từng có trong lịch sử. Một triệu loài động, thực vật trong tổng số 8 triệu loài trên trái đất đứng trên bờ vực tuyệt chủng.

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, tài nguyên đa dạng sinh học đang tiếp tục trên đà suy giảm. Tình trạng săn bắt, giết, mổ, vận chuyển kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã còn nhiều diễn biến phức tạp, dẫn tới gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, sức khỏe con người và uy tín đất nước trên trường quốc tế. Cùng với đó còn phát sinh rủi ro truyền nhiễm dịch bệnh sang người, gia súc, gia cầm.

Đa dạng sinh học bị suy giảm chủ yếu do sự biến mất tự nhiên, khai thác quá mức, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng thuốc trừ sâu, các sản phẩm làm bằng nhựa… và các loài xâm lấn, trong đó, đô thị hóa, phá rừng, phát triển nông nghiệp là những nguyên nhân chính khiến gần 75% môi trường mặt đất bị biến đổi, làm các loài và hệ sinh thái suy giảm.

Việc buôn bán động vật hoang dã cũng đã tạo ra nhiều hệ luỵ, tàn phá môi trường, suy giảm nghiêm trọng quần thể các loài với 67% động vật trên toàn thế giới đã bị suy giảm.

Đa dạng cao đi kèm nguy cơ tuyệt chủng tăng

Theo báo cáo quốc gia lần thứ 6 đối với Công ước Đa dạng sinh học, Việt Nam hiện có khoảng 51.400 loài sinh vật đã được xác định gồm 7.500 loài/chủng vi sinh vật, khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, 10.900 loài động vật trên cạn, 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, 11.000 loài sinh vật biển khác.

Nhiều loài có giá trị lớn cho việc bảo tồn, đóng góp cho khoa học và khẳng định tầm quan trọng toàn cầu của đa dạng sinh học Việt Nam như sao la, cheo cheo lưng bạc, mang lớn, mang Trường Sơn, thỏ vằn, voi châu Á, bò rừng, bò xám, hổ, báo, hươu sao, các loài linh trưởng, các loài rùa biển và rùa cạn nước ngọt… Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế cũng đã xác định Việt Nam có 63 vùng chim quan trọng.

So với các nước trong vùng Đông Dương, khu hệ động vật Việt Nam khá giàu về thành phần loài và có mức độ cao về tính đặc hữu. Trong số 21 loài khỉ có trong vùng này, Việt Nam có 15 loài, trong đó có 7 loài và phân loài đặc hữu. Trong số 49 loài chim đặc hữu của vùng, Việt Nam đã có 33 loài, trong đó có 10 loài đặc hữu của riêng Việt Nam.

Từ năm 2014-2018, có 334 loài mới được phát hiện cho khoa học gồm 208 loài động vật, 136 loài thực vật được mô tả và công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín và Tạp chí Sinh học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Theo thống kê, số loài và các cá thể các loài hoang dã của Việt Nam đang trên đà giảm mạnh, nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng rất cao. Như loài rùa Hồ Gươm, hiện chỉ còn 4 cá thể sống được biết đến trên thế giới, trong đó có 1 cá thể ở Trung Quốc và 3 cá thể ở Việt Nam.

Các loài thú lớn khác như voi, hổ, gấu, mèo lớn, tê tê cũng đang bị đe dọa tuyệt chủng nếu không có biện pháp bảo vệ kiên quyết và hiệu quả. Sao la - một loài thú đặc hữu của dãy Trường Sơn cũng đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Các nỗ lực điều tra, giám sát cho đến nay vẫn chưa phát hiện quần thể nào của loài ngoài tự nhiên.

Theo Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế cập nhật tháng 11/2020, số lượng loài bị đe dọa phân bố ở Việt Nam là 745 loài, bao gồm 64 loài thú, 53 loài chim, 70 loài bò sát, 45 loài lưỡng cư và 96 loài cá.

Tổng số loài hoang dã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam là 882 loài, trong đó 464 loài động vật quý, hiếm (tăng 108 loài trong vòng 10 năm). Có 116 loài đang ở mức nguy cấp rất cao và 6 loài chuyển từ mức nguy cấp khác nhau lên mức coi như đã tuyệt chủng gồm tê giác hai sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá sấu hoa cà, hươu sao.

Công tác kiểm kê loài năm 2016 đề xuất đưa 1.211 loài vào Sách đỏ cập nhật, gồm 600 loài thực vật và 611 loài động vật. So với Sách đỏ năm 2007, số lượng loài bị đe doạ và có nguy cơ tuyệt chủng tăng đáng kể.

Thách thức lớn

Theo đánh giá của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), công tác bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã đang tồn tại nhiều thách thức, hạn chế lớn.

Vấn đề bảo vệ các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm còn chưa thống nhất trong cách tiếp cận về quản lý, bảo tồn; chế độ quản lý đối với các loài trong các danh mục khác nhau. Đặc biệt trong các vấn đề tiêu chí xác định loài, danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm và loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

động vật hoang dã

Cá thể rái cá thuộc nhóm 1B bị giam nhốt trong lồng sắt được chủ gian hàng Yên Tâm ở chợ nông sản trá hình Thạnh Hóa, tỉnh Long An rao bán trái phép trong năm 2020 với giá 10 triệu đồng. 

Việc trùng lặp danh mục dẫn đến sự chồng chéo về chế độ quản lý và gây khó khăn khi áp dụng văn bản pháp luật cũng như xử lý các vi phạm trên thực tiễn. Cụ thể như rùa hộp ba vạch thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và không được phép thương mại, nhưng đồng thời thuộc nhóm IIB- các loài thực vật rừng, động vật rừng chưa bị đe doạ tuyệt chủng, nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.

Việc khai thác và sử dụng quá mức nguồn tài nguyên loài hoang dã, chặt phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cũng làm mất sinh cảnh sống của các loài dẫn đến xung đột ngày càng gia tăng giữa con người và các loài trong tự nhiên. Các chương trình bảo tồn loài được cấp có thẩm quyền thông qua song trong thực tế ít có nguồn lực để thực hiện. 

Nhu cầu tiêu thụ trái phép và không bền vững các loài hoang dã nguy cấp làm thực phẩm, thuốc, thú cảnh, trang trí… vẫn còn hiện hữu. Việc buôn bán trái phép các loài này ngày càng tinh vi, có tổ chức và diễn biến phức tạp, mang yếu tố tội phạm xuyên quốc gia.

Thực thi pháp luật còn bị hạn chế và chưa hiệu quả do thiếu nguồn lực, kể cả cơ sở vật chất, nhân lực và tài chính. Chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ thực thi chưa tương xứng với trách nhiệm và rủi ro cao khi đối mặt với tội phạm này.

Khả năng đấu tranh đối với loại hình vi phạm về loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm của lực lượng chuyên trách còn chưa theo kịp các thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp của tội phạm.

Một số tồn tại, lỗ hổng trong các văn bản pháp luật khiến việc xử lý các vi phạm khó khăn như thiếu các quy định về xử lý tang vật. Thực tiễn có thể mất rất nhiều thời gian để cơ quan điều tra, viện kiểm sát hay tòa án nhân dân, hội đồng xét xử đưa ra quyết định, hoặc có thể cũng mất thời gian để có kết quả giám định khi các cá thể động vật hoang dã còn sống và khỏe mạnh cần phải được xử lý và tái thả ngay lại môi trường tự nhiên, rất tốn kém cho việc bảo quản tang vật đến khi vụ án được xét xử.

Hoạt động hợp tác giữa các cơ quan thực thi đã được cải thiện nhưng chưa tạo được cơ chế phối hợp chặt chẽ, chưa có hướng dẫn về quy trình điều tra sau khi bắt giữ các cá thể hoặc sản phẩm động vật hoang dã, bao gồm cả quy trình lập, chuyển hồ sơ từ lực lượng hải quan, biên phòng, kiểm lâm sang công an, cơ quan giám định, viện kiểm sát và tòa án; xử lý động vật hoang dã và bộ phận của chúng sau khi tịch thu. 

Bên cạnh đó, nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo tồn loài, bảo tồn đa dạng sinh học đã được nâng lên song còn nhiều hạn chế. Một số bộ phận người dân vẫn có nhu cầu cao sử dụng động vật hoang dã nguy cấp dẫn đến nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ gia tăng.

Nhận thức của các cấp, các ngành đã được nâng lên nhưng chưa đủ và chưa quyết liệt để góp phần bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm một cách hiệu quả và toàn diện.

Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) Bùi Thị Hà cho rằng, tham nhũng cũng là trở ngại lớn cho nỗ lực thực thi pháp luật về động vật hoang dã vì có sự tiếp tay của một số cán bộ biến chất, nhiều đối tượng tội phạm đã và đang ngang nhiên thực hiện các hành vi phạm tội mà không lo sợ bị phát hiện, bắt giữ, bị đưa ra xét xử hay phải đối diện với án phạt tù.

Thông tin từ TTXVN