Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng Thành phố Hà Nội năm 2021. Kế hoạch này đề ra hàng loạt các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng.
Theo kế hoạch, các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và cấp ủy, chính quyền cấp xã có rừng, các chủ rừng, hộ gia đình, tổ chức, người dân sống trong rừng, ven rừng tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, thông qua các hình thức phù hợp.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng phá rừng. (Ảnh minh họa).
Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng với các tỉnh có rừng giáp ranh với Hà Nội.
Đồng thời, UBND cấp huyện (có rừng) xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng, giao rõ trách nhiệm các phòng, ban, đơn vị, bảo đảm các hành vi vi phạm về bảo vệ rừng được xử lý dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ người, phương tiện ra vào rừng để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm, khai thác đất lâm nghiệp, sử dụng đất lâm nghiệp trái quy định (đặc biệt các điểm “nóng” ở các huyện Sóc Sơn, Ba Vì…, các khu vực chồng lấn).
Đặc biệt, UBND Thành phố xác định rõ, bảo vệ rừng là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và chủ rừng phải chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, sử dụng đất lâm nghiệp trái pháp luật trên địa bàn quản lý. Địa phương nào để xảy ra phá rừng, lấn chiếm, khai thác đất lâm nghiệp trái pháp luật thì chủ tịch UBND cấp dưới chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp…
Ngoài ra, kế hoạch nêu rõ, trong công tác phòng cháy và chữa cháy rừng, UBND các cấp có rừng và chủ rừng xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; Phương án huy động lực lượng phương tiện tham gia chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra đối với diện tích rừng trên địa bàn quản lý…
Căn cứ Quyết định số 1676/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội về việc phê duyệt thời gian cao điểm dễ xảy ra cháy rừng trong năm, các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng và bảng tra cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn TP.Hà Nội, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội có trách nhiệm bố trí lực lượng tổ chức trực phòng cháy rừng 24/24 tại tất các trụ sở thuộc Chi cục được giao quản lý trong thời gian các tháng cao điểm dễ xảy ra cháy rừng.
Đồng thời, thông tin cấp dự báo cháy rừng theo ngày, tuần, các khu vực nguy cơ cháy cao và các vụ cháy rừng cho chính quyền các cấp và chủ rừng, các lực lượng chuyên ngành triển khai lực lượng kịp thời chữa cháy.
Trước đó, Hà Nội đã lên kế hoạch xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu trồng rừng. Theo ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, từ thực trạng rừng trên địa bàn thành phố, việc hỗ trợ trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng cây giống chất lượng cao là cần thiết. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ trồng mới 500 ha rừng, ưu tiên trồng các loài cây bản địa và cây lấy gỗ lớn chu kỳ dài có giá trị kinh tế cao. Địa bàn trồng mới sẽ được thực hiện tại khu vực đất trống thuộc 7 huyện, thị xã có rừng.
Để tạo đà cho phát triển rừng sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập người trồng rừng, Sở NN&PTNT đã giao các đơn vị trực thuộc xây dựng cơ chế, chính sách, từ đó tham mưu thành phố hỗ trợ trồng rừng sản xuất gỗ lớn.
"Mục tiêu mà ngành nông nghiệp Hà Nội kỳ vọng đó là tập trung trồng cây gỗ lớn để duy trì ổn định độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người trồng rừng, thu hút lao động nhàn rỗi vào sản xuất lâm nghiệp, góp phần ổn định đời sống nông dân ở các địa phương có rừng", ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh. |
Thông tin từ Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam