Song Vũ ·
1 năm trước
 3659

Tăng cường quản lý môi trường và bảo vệ hệ sinh thái hiệu quả

Để giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm và ngăn chặn sự suy thoái môi trường sống, hệ sinh thái, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững, Việt Nam cần tăng cường các biện pháp quản lý môi trường và bảo vệ hệ sinh thái có hiệu quả.

Giải pháp và hành động cần thiết

Mới đây, Hội thảo Ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến hệ sinh thái, sức khỏe con người: Thách thức và giải pháp/hành động cần thiết” đã được khai mạc tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), TP. Quy Nhơn. Hội thảo do Hội Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với ICISE, Trường Đại học Quy Nhơn phối hợp tổ chức.

Theo GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nhất là đối với vùng duyên hải. Nạn xâm nhập mặn và hạn hán đã ảnh hưởng lớn đến canh tác nông nghiệp và thủy sản, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Mê Kông.

Để giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm và ngăn chặn sự suy thoái môi trường sống, hệ sinh thái, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững, Việt Nam cần tăng cường các biện pháp quản lý môi trường và bảo vệ hệ sinh thái có hiệu quả.

Đó có thể là giải pháp xây dựng tiêu chuẩn môi trường để bảo vệ các loài sinh vật trong môi trường và sức khỏe con người, huấn luyện để nâng cao hiểu biết về khoa học, ứng dụng luật môi trường có hiệu quả hơn. Triển khai một số dự án về giáo dục môi trường, nghiên cứu và đánh giá rủi ro môi trường, nhằm đáp ứng cho việc quản lý môi trường để giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến hệ sinh thái và sức khỏe con người trong thời kỳ phát triển kinh tế.

Nạn xâm nhập mặn và hạn hán đã ảnh hưởng lớn đến canh tác nông nghiệp và thủy sản, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Mê Kông.

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày (12 – 13/9), thu hút hơn 25 nhà khoa học và quản lý ở các trường đại học và Viện nghiên cứu ở Việt Nam, cùng 10 nhà khoa học quốc tế tham dự. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng thảo luận các vấn đề liên quan như: Chất ô nhiễm vi mô ở Việt Nam - tổng quan về sự hiện diện và khả năng gây nhiễm đến con người; dư lượng thuốc trừ sâu trong sản phẩm nông nghiệp; việc sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Mê Kông - tình trạng, ô nhiễm và ảnh hưởng đến cá; tích tụ vi nhựa trong cá biển và khả năng gây nhiễm đến con người.

Các nhà khoa học thế giới chia sẻ những kinh nghiệm của họ về vấn đề ứng phó ô nhiễm môi trường, đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường đến hệ sinh thái và sức khỏe con người và khuyến cáo để bảo đảm phát triển bền vững thông qua nhiều báo cáo khoa học, gồm: Nghiên cứu môi trường cần thiết và cấp bách về các chất ô nhiễm mới phát sinh và đặc biệt quan tâm; nhân tố ảnh hưởng đến sự bùng phát tảo độc và mô hình chẩn đoán sự bùng phát tảo độc; hóa chất gây rối loạn nội tiết trong môi trường - dấu hiệu ảnh hưởng và khuynh hướng làm giảm thiểu ảnh hưởng; mô hình quản lý chất lượng nước, trầm tích ở Úc và New Zealand có thể áp dụng ở Việt Nam.

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL ngày càng trầm trọng

Trên thực tế, trong những năm gần đây, hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra ở khu vực ĐBSCL ngày càng gay gắt, đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả hơn nữa nhằm làm giảm thiểu tối đa thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Tài nguyên thiên nhiên của dòng sông Mê Kông đóng vai trò quan trọng trong nguồn sinh kế của hàng chục triệu người. Nhiều dòng chảy chính và phụ lưu, khai thác tài nguyên nước ngầm cũng như khai thác cát quá mức là biểu tượng gắn liền với sự phát triển kinh tế nhanh chóng trong khu vực sông Mê Công. Mực nước biển dâng toàn cầu, dòng chảy bất thường, sụt lún đất, xói lở bờ biển và xâm nhập mặn là một trong những thách thức cấp bách nhất.

Điển hình là ĐBSCL chịu tác động của cả yếu tố khí hậu và con người; trong số đó, xâm nhập mặn gia tăng, không chỉ khiến vùng đồng bằng này thiệt hại hàng triệu đô la hàng năm trong tình trạng thiếu nước ngọt và mất mùa mà còn được xác định là điểm mấu chốt trong quy hoạch sử dụng đất. 

Từ cuối năm 2014, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nền nhiệt tăng cao, thiếu hụt lượng mưa, làm gia tăng tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Cùng với sự gia tăng của mực nước biển và sự thay đổi các yếu tố khí tượng đã làm cho độ mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền. Mùa khô năm 2015-2016, 10/13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực ĐBSCL đã phải công bố thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Tổng thiệt hại lên đến 7.900 tỷ đồng.

Sang đến mùa khô năm 2019-2020, hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL được đánh giá ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử, còn gay gắt hơn cả mùa khô 2015-2016. Dù vậy, do dự báo sớm các thách thức này, dưới sự chỉ đạo điều hành sát sao của Chính phủ, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để chủ động phòng chống đã giúp giảm thiểu đáng kể thiệt hại. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích lúa bị thiệt hại do hạn mặn là 58.400 ha, bằng 14% so với diện tích bị ảnh hưởng năm 2015-2016; diện tích cây ăn trái bị thiệt hại là 25.120 ha, bằng 88% so với diện tích bị ảnh hưởng năm 2015-2016; có tổng cộng khoảng 96.000 hộ dân gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn, bằng 54% mức ảnh hưởng năm với năm 2015-2016.

Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường, không theo quy luật, trong những năm gần đây, Chính phủ đã nhiều lần làm việc với các địa phương ĐBSCL để bàn giải pháp khắc phục, giảm thiểu thiệt hại. 

Về lâu dài, Thủ tướng đề nghị cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, nhất là về khoa học và công nghệ, ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ mới… trong phòng, chống xâm nhập mặn; rà soát phương án cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng ĐBSCL, nhất là tại khu vực ven biển và vùng bán đảo Cà Mau để đưa vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đầu tư, huy động các nguồn lực để từng bước triển khai thực hiện.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, để ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và hạn hán, xâm nhập mặn nói riêng, bên cạnh những giải pháp phòng chống, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã nỗ lực tìm cách “sống chung”. 

Đặc biệt, Nghị quyết 120 về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết “thuận thiên”) được ban hành năm 2017 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách. Thực tiễn bốn năm triển khai cho thấy, việc kế thừa các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng với tích hợp, lồng ghép kết quả các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, các dự án phát triển đã tạo đà mạnh mẽ cho ĐBSCL phát triển và ứng phó với biến đổi khí hậu.