Hồ Hằng ·
1 năm trước
 6643

Tăng trưởng xanh - cơ hội để Việt Nam bắt kịp xu thế toàn cầu

Với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế toàn cầu.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để đạt được mục tiêu trên, sự bắt tay, hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Đây cũng là nội dung của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023 (VBF), do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức vào cuối tuần qua. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo diễn đàn.

Chủ đề bao trùm của diễn đàn năm nay là Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh. Tại sự kiện, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tham mưu cho Chính phủ các giải pháp, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh; đồng thời cam kết nâng cao trách nhiệm cộng đồng của mình vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp đã nhìn thấy những cơ hội đầu tư trong lĩnh vực tăng trưởng xanh tại Việt Nam như năng lượng tái tạo, hạ tầng và mong muốn tham gia vào quá trình này.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm ngoái và phát triển kinh tế xanh sẽ là động lực trong những năm tiếp theo. Năng lượng là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp Mỹ khi đầu tư vào Việt Nam", ông Gregory Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), cho biết.

"Chính phủ Việt Nam nên dành ưu tiên hàng đầu hiện nay cho năng lượng. Chúng tôi kỳ vọng sẽ mang đến Việt Nam kinh nghiệm, tri thức từ những quốc gia đi trước để giúp Việt Nam đi nhanh hơn trên quá trình chuyển đổi xanh", ông Arnaud Ginolin, thành viên Hội đồng Thành viên Boston Consulting Group, nói.

Tuy nhiên, theo Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), ngay cả trong các lĩnh vực thâm dụng năng lượng như sản xuất, vận tải, xây dựng, cũng chỉ có khoảng một nửa doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên. Để khuyến khích tăng trưởng xanh, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý và cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

"Việt Nam đang đón nhận sự dịch chuyển sản xuất toàn cầu. Nhiều nhà máy đang được xây dựng và họ có nhu cầu lớn về năng lượng xanh. Chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ có những chính sách rõ ràng, minh bạch, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng", ông Vaibhav Saxena, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM), kiến nghị.

"Sự quan tâm và nỗ lực của các nhà đầu tư Hàn Quốc chúng tôi chỉ có thể thực hiện được khi có đủ điều kiện, thứ nhất là về pháp lý, thứ hai là về cơ sở hạ tầng. Phải có một chế độ ưu đãi thì chúng tôi mới có thể đầu tư vào Việt Nam", ông Hong Sun, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), nhận định.

Các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng khuyến nghị, để đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần đặt ra lộ trình cụ thể, có mục tiêu cho từng giai đoạn nhỏ.

Năng lượng tái tạo - trụ cột quan trọng giúp Việt Nam chuyển đổi xanh

30 năm trước, tổng lượng khí thải COcủa Việt Nam là khoảng 22.500 tấn. Đến năm 2022, tổng lượng khí thải đã tăng 321.000 tấn, tức là gấp gần 15 lần. Ngành điện chiếm khoảng một nửa lượng khí thải CO2 này. Do vậy, chuyển dịch sang sử dụng năng lượng tái tạo được coi là trụ cột quan trọng, giúp Việt Nam đi nhanh hơn trên con đường phát triển bền vững.

Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, các doanh nghiệp kiến nghị, Việt Nam sớm ban hành Quy hoạch điện VIII nhằm đảm bảo nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này, phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

"Trong những năm gần đây, doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam để đáp ứng nhu cầu sản xuất năng lượng tái tạo ngày càng tăng. Tuy nhiên, do Quy hoạch điện VIII chưa được ban hành chính thức, hoạt động của các nhà máy điện tái tạo và những ngành công nghiệp có liên quan như sản xuất nhiên liệu sinh khối cũng bị ảnh hưởng. Do đó, chúng tôi mong muốn Chính phủ sớm ban hành chính thức Quy hoạch này", ông Taketoshi Nagaoka, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại Việt Nam, đề xuất.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, để đạt được mục tiêu phát thải ròng như cam kết, Việt Nam cần đầu tư 6,8% GDP hàng năm cho lĩnh vực này, khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040 và một nửa con số này đến từ khu vực tư nhân. Nhằm huy động được nguồn lực, phải hoàn thiện thể chế, pháp luật, để khu vực tư nhân đầu tư vào những ngành chính gây phát thải, trong đó có năng lượng.

"Chính sách rõ ràng thì họ sẵn sàng cam kết những vốn đầu tư lớn. Nếu chính sách không rõ ràng thì họ không dám đầu tư. Một số doanh nghiệp đã đầu tư vào điện mặt trời, nhưng điện gió thì đến giờ phút này, chưa được bao nhiêu. Nhiều công ty đang có bao nhiêu tỷ USD để sẵn sàng đầu tư", ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết.

"Chúng ta cần sớm đưa ra Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn để thu hút nhà đầu tư quốc tế. Đồng thời, xây dựng hành lang pháp lý để huy động trái phiếu quốc tế bền vững cho lĩnh vực này", ông Thomas Jacobs, Giám đốc phục trách khu vực Mekong, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), nói.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), năm 2022, các công ty tư nhân ở châu Á - Thái Bình Dương đã ký Hợp đồng Mua bán Điện trực tiếp với công suất kỷ lục 7GW, tăng 80% so với năm 2021, thể hiện sự sẵn sàng thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch, mới. Việc phê duyệt cơ chế này có thể giúp Việt Nam mang lại hàng tỷ USD đầu tư từ khu vực tư nhân.

Thủ tướng Chính phủ: Tăng trưởng xanh là chủ trương lớn của Việt Nam

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Tăng trưởng xanh" là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực hiện tăng trưởng xanh cần bền vững, không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá, không hy sinh môi trường.

"Chúng tôi xác định phát triển nhanh, bền vững nhưng không hy sinh tiến bộ công bằng xã hội, không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Chúng tôi tập trung vào cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó khai thác, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ để phát triển như tôi nói ban đầu, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế. Phát triển kinh tế xanh cần phải được triển khai quyết liệt ở các cấp, các ngành, cách địa phương, cấp quốc gia đến khu vực, cấp vùng, gắn phát triển xanh của quốc gia với khu vực và trên quốc tế", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Về năng lượng tái tạo, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp và sẽ khuyến khích cơ chế này trong thời gian tới. Thủ tướng cũng đề nghị các đối tác hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, với các ưu đãi về tài chính, lãi suất và hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản trị, hoàn thiện thể chế, nguồn nhân lực.