Chính sách quốc gia về tăng trưởng xanh là một chủ trương lớn và quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm xanh hóa nền kinh tế, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Trước xu hướng phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam đã được ban hành và thực thi với nhiều kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Theo Tổ chức Sáng kiến Tăng trưởng Xanh của Liên Hợp Quốc, tăng trưởng xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn và giảm sự mất công bằng trong xã hội.
Theo OECD (2011), tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo rằng các nguồn tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta. Để thực hiện điều này, tăng trưởng xanh phải là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới.
Theo Ủy ban Kinh tế xã hội khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc, tăng trưởng xanh là Chiến lược để đạt được phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh chủ trương tăng trưởng GDP mà duy trì hoặc khôi phục lại chất lượng và tính toàn vẹn của môi trường sinh thái, đồng thời đáp ứng các nhu cầu của tất cả mọi người với mức thấp nhất có thể tác động đến môi trường.
Theo Chiến lược quốc gia Việt Nam về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, “tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”.
Chính sách tăng trưởng xanh của Việt Nam
Nhận thức được những tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống của người dân, trong những năm qua, Việt Nam đã có hàng loạt văn bản pháp luật, chính sách về tăng trưởng xanh, như:
“Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020” nhấn mạnh, để thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, cần phải: đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững; xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên; từng bước thực hiện dán nhãn sinh thái, mua sắm xanh; phát triển thị trường sản phẩm sinh thái và sáng kiến cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững; áp dụng các chính sách điều chỉnh những hành vi tiêu dùng không hợp lý.
Theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg, Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, 2 nhiệm vụ chiến lược được đề ra gồm: 1) Xanh hóa sản xuất; thực hiện một chiến lược công nghiệp hóa sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh; 2) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại.
Để đảm bảo thực thi Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hàng loạt các chính sách hỗ trợ cũng được ban hành như: 1). Chính sách tín dụng xanh được đẩy mạnh thông qua các kênh cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hoạt động dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch; 2). Chính sách thuế tài nguyên với nguyên tắc “tài nguyên không có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất cao, “tài nguyên có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất thấp; 3). Các chính sách thuế từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia; 4). Chính sách chi ngân sách nhà nước cũng được chú trọng theo hướng ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường.
Như vậy, chính sách tăng trưởng xanh đã được chú trọng xây dựng ở nhiều ngành, lĩnh vực để đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện chính sách tăng trưởng xanh của Việt Nam còn một số khó khăn, hạn chế gồm:
Thứ nhất, nhận thức của bộ, ngành và chính quyền địa phương về chiến lược tăng trưởng xanh chưa rõ ràng.
Thứ hai, các dự án mà bộ, ngành, địa phương đã và đang được thực hiện liên quan đến Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đều dựa trên sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ (NGO), chứ chưa xuất phát từ năng lực nội sinh của bộ, ngành, địa phương.
Thứ ba, hiện nay có sự xung đột, trùng lặp nhau về mục tiêu giữa các chiến lược: Chiến lược phát triển bền vững; Chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu; Chiến lược tăng trưởng xanh,... Các địa phương không rõ cần thực hiện Chiến lược nào, cơ quan nào làm đầu mối thực hiện.
Thứ tư, nguồn lực thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh hiện nay chưa rõ ràng, đặc biệt trong bối cảnh suy giảm kinh tế và cắt giảm đầu tư công
Thứ năm, dù việc áp dụng, lồng ghép Chiến lược tăng trưởng xanh vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đã đạt được một số thành tựu nhất định, song nhiều địa phương đang đối mặt với không ít thách thức. Tại một số địa phương, dù kế hoạch hành động tăng trưởng xanh đã được phê duyệt và ban hành, nhưng thay đổi trong cơ cấu sản xuất cũng như các kết quả đạt được chưa rõ ràng do thiếu các nhóm giải pháp cụ thể và chưa thật sự khả thi đối với hoàn cảnh của từng địa phương.
Thứ sáu, trong khi mô hình tăng trưởng mới chưa được xác lập trong ngắn hạn và trung hạn thì liệu các mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh có được hoàn thành?
Giải pháp thực hiện chính sách tăng trưởng xanh của Việt Nam
Thứ nhất, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; tăng dần tỷ trọng đầu tư cho các ngành sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên như các ngành dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghệ thông tin.
Thứ hai, xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích và thúc đẩy nghiên cứu, sử dụng công nghệ mới, ít tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính và thân thiện với môi trường.
Thứ ba, cần hình thành thị trường mua sắm công xanh và chuỗi giá trị xanh. Nhà nước là người tiêu dùng quan trọng (mua sắm công thường chiếm tới 20% chi tiêu của Chính phủ) trong việc thực hiện tăng trưởng xanh, do đó cần phải có khung pháp lý qui định về hành vi mua sắm của Chính phủ theo hướng xanh hóa đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.
Thứ tư, huy động các nguồn lực và cơ chế tài chính trong và ngoài nước, ưu tiên cho tăng trưởng xanh. Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai mô hình hợp tác công tư, chủ động tiếp cận các nguồn vốn từ tư nhân cũng như triển khai các công cụ tài chính dựa vào thị trường, như thị trường mua bán và trao đổi tín chỉ các-bon để bảo đảm tính bền vững và nguồn lực tài chính ổn định cho tăng trưởng xanh.
Tóm lại, tăng trưởng xanh là xu thế phát triển chung của thế giới và Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế đó. Thực hiện quan điểm, chủ trương, đường lối chung của Đảng, chính sách tăng trưởng xanh đã được ban hành và thực thi với văn bản nền tảng là Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh.
Việc thực thi chính sách tăng trưởng xanh giai đoạn 2012-2020 đã đạt được những kết quả nhất định song vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế do còn có những bất cập về nội dung của chính sách và một số nguyên nhân khác. Để hoàn thiện chính sách tăng trưởng xanh của Việt Nam trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
TN