Thuỳ Linh ·
3 năm trước
 3301

Thanh Hóa: Trong 5 năm tới nỗ lực phấn đấu trồng hơn 30 triệu cây xanh

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Kế hoạch số 120/KH-UBND về việc trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Dự kiến, phấn đấu đến hết năm 2025 toàn tỉnh trồng được ít nhất 34,5 triệu cây xanh.

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở TN&MT, Sở Xây dựng và các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai, cân đối, bố trí kinh phí tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch này.

Đồng thời, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát quy hoạch sử dụng đất, trong đó xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đất trồng mới rừng sản xuất gỗ lớn, đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, đất phát triển trồng cây xanh phân tán vùng nông thôn. Bên cạnh đó, chủ động xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hàng năm và cả giai đoạn 2021- 2025 đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch.

Theo kế hoạch, trồng cây xanh phân tán tại khu vực đô thị, nông thôn và một phần diện tích trồng cây xanh trong rừng tập trung (gồm trồng rừng phòng hộ, đặc dụng; trồng mới rừng sản xuất trồng loài cây gỗ lớn lâu năm, không bao gồm cây trồng rừng thay thế và cây trồng rừng tái canh sau khai thác gỗ).

Trồng cây xanh

Ảnh minh họa.

Về chỉ tiêu kế hoạch trồng cây xanh theo khu vực, đối với cây xanh phân tán (cả khu vực đô thị và nông thôn) trồng ít nhất 30 triệu cây, tương đương 87%. Trồng cây xanh tập trung ít nhất 2.629 ha, tương đương khoảng 4,5 triệu cây (13% kế hoạch); bình quân mỗi năm trồng ít nhất 525 ha rừng.

Về chỉ tiêu kế hoạch trồng cây xanh hằng năm, với năm 2021, trồng khoảng 6,1 triệu cây xanh (trong đó, trồng cây xanh phân tán khoảng 5,2 triệu cây, tăng khoảng 2,6 lần so với năm 2020). Từ năm 2022-2025 mỗi năm trồng ít nhất 7 triệu cây xanh (trong đó, trồng cây xanh phân tán 6,2 triệu cây, tăng khoảng 3,1 lần so với năm 2020).

Trong đó, kinh phí thực hiện kế hoạch được xác định chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng để trồng cây xanh phân tán khu vực nông thôn, các khu vực công cộng khác. Ngoài ra có thể kêu gọi tài trợ, triển khai có hiệu quả các dự án ODA đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh như dự án “Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa”.

Việc thực hiện trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng dân cư và người dân đối với công tác phát triển rừng và trồng cây xanh; Xác định rõ được vai trò của cây xanh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Đồng thời, thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế; Lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tăng tỉ lệ trồng rừng, trồng cây xanh phân tán theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được phê duyệt.

Thông tin từ Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam