Theo Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hoá tại tháng 3 năm 2023 gửi Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho thấy trên địa bàn tỉnh có 82 cơ sở nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bao gồm: 23 bệnh viện, 45 điểm tồn lưu hoá chất bảo vệ thực vật (BVTV), 07 khu chứa và chôn lấp rác thải, 01 hồ trong đô thị, 01 khu vực ô nhiễm xăng dầu và 05 làng nghề.
Đến nay, có 62/82 cơ sở, khu vực đã được xử lý triệt để ô nhiễm và rút khỏi danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; các dự án xử lý môi trường sau khi triển khai thực hiện đã được bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng đất vào mục đích công ích, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân.
Đối với điểm tồn lưu hoá chất BVTV còn lại, có 27 điểm đã được điều tra, đánh giá, đưa ra khỏi danh mục ô nghiễm môi trường nghiêm trọng; 05 điểm tồn lưu (Điểm tồn lưu hoá chất BVTV Kho vật tư nông nghiệp cũ Quyết Thắng 2, thôn Quyết Thắng 2, xã Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn; khu vực tồn lưu hoá chất BVTV nhà máy hoá chất Trung Hưng, phố Trung Sơn, phường An Hưng, TP. Thanh Hoá; Kho chứa hoá chất BVTV, Kho Đình Thôn 1, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc; Kho chứa hoá chất BVTV tại Trạm BVTV Cổ Điệp, xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc; Điểm tồn lưu hoá chất BVTV Kho vật tư nông nghiệp cũ, thôn Thiện Na, xã Vạn Hoà, huyện Nông Cống) được đưa vào nhiệm vụ điều tra, đánh giá chi tiết và lập phương án xử lý, cải tạo phục hồi môi trường đất trên đại bàn tỉnh và đã được UBND tỉnh phê duyệt đề cương nhiệm vụ tại Quyết định số 1963/QĐ-UBND ngày 7/6/2022.
Hoạt động khai thác khoáng sản được tập trung chỉ đạo và xử lý nghiêm sai phạm.
Cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản được tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhằm ngăn chặn và chấn chỉnh kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, gây xói lở bờ sông, thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.
Trong năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập báo cáo thuyết minh dự án Khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá để trình UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản đất làm gạch gói và quặng photphorit trên địa bàn; kiểm tra công tác lắp trạm cân tại các mỏ khoáng sản; thực hiện 23 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các thông tin phản ánh của cơ quan báo chí và người dân về tình hình hoạt động khoáng sản; tham mưu cho UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt theo thẩm quyền 16 vụ, với tổng số tiền 2,619 tỉ đồng.
Trong năm 2022, các đơn vị khai thác khoáng sản cũng đã thực hiện việc ký quỹ phục hồi môi trường với số tiền hơn 25,6 tỉ đồng.