Ngọc Lan ·
21 tuần trước
 8738

Thành lập đoàn giám sát bảo vệ môi trường: Nâng cao hiệu quả thực thi luật

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký Nghị quyết số 131/2024/QH15 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường”.

Cụ thể, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 131/2024/QH15, thành lập đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường” kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành. 

Ảnh minh họa.

Theo Nghị quyết, Trưởng Đoàn là Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Trưởng Đoàn Thường trực là ông Lê Quang Huy, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Phó Trưởng Đoàn gồm: Ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Mục đích của việc giám sát là đánh giá toàn diện quá trình ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó, trọng tâm là xem xét triển khai Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 cùng các nghị quyết liên quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đoàn giám sát sẽ làm rõ những hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực thi. Từ đó, rút ra các bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, đoàn cũng sẽ đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật và các quy định liên quan, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện cũng như xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Nhờ vậy mà đảm bảo môi trường được bảo vệ một cách hiệu quả và bền vững hơn trong tương lai.

Nội dung giám sát bao gồm việc ban hành, hoàn thiện và tổ chức chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Theo đó, đoàn sẽ giám sát trong phạm vi thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên cả nước kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2024. Đối tượng giám sát bao gồm: Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đoàn giám sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cùng các quy định khác của pháp luật có liên quan, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát tại Phiên họp tháng 9/2025, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

Nghị quyết nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả giám sát, điều chỉnh thành phần Đoàn giám sát nếu cần thiết; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hỗ trợ về nội dung, tổng hợp báo cáo kết quả giám sát; Văn phòng Quốc hội đảm bảo các hoạt động của Đoàn giám sát; Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố phối hợp với Hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chọn nội dung giám sát phù hợp và báo cáo về Đoàn giám sát Quốc hội, cử đại diện tham gia khi cần.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan và đơn vị liên quan không chỉ đảm bảo quá trình giám sát diễn ra suôn sẻ mà còn giúp nâng cao chất lượng thực thi chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.