LH ·
1 năm trước
 8300

Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP26

Việt Nam là nước đang phát triển còn rất nhiều khó khăn nhưng đã đưa ra các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu như các nước phát triển. Do đó cần bước đi, lộ trình phù hợp và sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế về hoàn thiện thể chế, nguồn nhân lực.

Thực hiện lộ trình khoa học, thực tiễn, hiệu quả

Sáng nay (14/7), Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 chủ trì Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo.

Trước đó tại hội nghị COP26, cùng với gần 150 quốc gia, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ đưa mức "phát thải ròng về 0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia đã tham gia cam kết giảm 30% phát thải metan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2020; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu.

Việt Nam đã đưa ra các cam kết với một chương trình nghị sự đầy tham vọng nhằm xây dựng một nền kinh tế carbon thấp bằng cách ngừng xây dựng các nhà máy sử dụng năng lượng than và chuyển đổi sang năng lượng sạch. Đây là một sự khác biệt đáng kể so với các kế hoạch năng lượng hiện nay và cũng là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đã đưa ra quyết định chính trị để chuyển sang một cơ cấu năng lượng đa dạng hơn và ít sử dụng carbon hơn. 

Việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Dù có nhiều thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu, hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: VGP)

Ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia để trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Có thể nói, chỉ trong một thời gian ngắn, nhận thức của cán bộ, Đảng viên và nhân dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung, đặc biệt là các nội dung cam kết và thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 đã có bước thay đổi rất đáng kể.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ các cuộc họp trước đã quán triệt các nội dung liên quan lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức, đưa ra một số nhiệm vụ giải pháp.

Nhấn mạnh Việt Nam đang là nước đang phát triển phải thực hiện như các nước phát triển, Thủ tướng lưu ý việc đề nghị các đối tác dựa trên công bằng, công lý, có bước đi lộ trình phù hợp cũng như có sự giúp đỡ về hoàn thiện thể chế, nguồn nhân lực, nguồn vốn, công nghệ, cách quản trị. 

Các vấn đề liên quan phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, liên quan giảm phát thải methane, phát triển rừng… đặt ra yêu cầu thực hiện cho các bộ, ngành, địa phương. Cụ thể là vấn đề chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý với các nước đối tác.  

Do đó phải đề nghị các đối tác phải dựa trên công bằng, công lý, có bước đi lộ trình phù hợp một nước đang phát triển, đòi hỏi phải có sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế về hoàn thiện thể chế, nguồn nhân lực, nguồn vốn, công nghệ, cách quản trị.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận tập trung trọng tâm, trọng điểm, quan trọng là đưa ra giải pháp, các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, quyền hạn tổ chức thực hiện, tránh tình trạng “họp xong để đó”; sau mỗi phiên họp phải đánh giá được kết quả thực hiện của phiên họp trước, đề ra nội dung cho phiên họp tới. Vừa có vấn đề trước mắt hằng quý, hằng tháng, vừa có vấn đề dài hạn 5 năm, vì công việc này không phải chỉ làm trong vài năm mà phải có chiến lược đến 2050, nhưng trong từng năm, trong 5 năm phải đề ra mục tiêu cụ thể hoàn thành nhiệm vụ gì… để từ đó chúng ta thực hiện lộ trình khoa học, thực tiễn, hiệu quả.

Đồng thời, cho ý kiến về dự thảo Đề án tổ chức Hội nghị đối thoại hợp tác triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" và chuyển đổi năng lượng của Ban Chỉ đạo với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển sắp tới; về việc chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý với các đối tác; về dự thảo Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26, các dự thảo chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch có liên quan để ban hành và sớm tổ chức triển khai thực hiện các nội dung cam kết tại Hội nghị COP26.

Khẩn trương xây dựng Đề án thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26

Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là Phó Trưởng ban, thành viên là các Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo cùng với quy chế làm việc của Tổ công tác.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, là một nước đang phát triển với nguồn lực còn hạn chế, trong khi lại chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, và mong muốn nhận được sự hợp tác từ cộng đồng quốc tế trong các vấn đề chuyển giao công nghệ, chia sẻ tri thức, đóng góp tài chính để thực hiện nhiệm vụ cao cả, nhưng vô cùng khó khăn này.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai thỏa thuận tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26).

Theo đó, Đề án nhằm xác định và hiện thực hóa các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Các nhiệm vụ, giải pháp được triển khai bằng nguồn lực của Việt Nam cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris.

Dự thảo Đề án đã đưa ra 9 nhiệm vụ và giải pháp, bao gồm: Đổi mới thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; Chuyển đổi năng lượng và công nghiệp; Lĩnh vực giao thông và xây dựng; Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; Tài nguyên và môi trường; Thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức; An sinh xã hội, chuyển đổi công bằng; Ngoại giao khí hậu. Mỗi nhiệm vụ có nhóm nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, giao các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2050.

Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hướng tới thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, quá trình xây dựng dự thảo Đề án, Bộ TN&MT đã bám sát các quan điểm: Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, dự án khả thi, mang tính hiện thực và hành động để tận dụng các cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến, dòng vốn xanh cho phát triển, phục hồi kinh tế, chuyển đổi năng lượng thực hiện mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26, bám sát các nội dung Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Theo: Kinh Tế Môi Trường