Quỳnh Thanh ·
2 năm trước
 2467

Thập kỷ khoa học biển được khởi động nhằm cảnh báo các tác động tiêu cực tới đại dương

UNESCO đã đánh dấu sự khởi đầu của "thập kỷ khoa học biển" này bằng một sự kiện trực tuyến toàn cầu mang tên: Một đại dương mới dũng cảm. Rất hy vọng một sự thay đổi ngoại mục về sinh thái biển vào thập kỷ này!

Đại dương bao phủ hơn 70% diện tích hành tinh, đó là nguồn sống của con người, hỗ trợ sự sống của nhân loại và của mọi sinh vật khác trên Trái Đất. Đại dương sản xuất ít nhất 50% lượng oxy của hành tinh - nơi có đa dạng sinh học và là nguồn cung cấp protein chính cho hơn một tỉ người trên thế giới; là chìa khóa cho nền kinh tế với khoảng 40 triệu người đang làm việc trong các ngành công nghiệp dựa trên đại dương vào năm 2030.

Đầu năm nay, Liên hợp quốc đã chính thức khởi động Thập kỷ Khoa học Đại dương vì sự Phát triển Bền vững (2021 – 2030). Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã phát động điều mà nhiều thành viên trong Liên hợp quốc coi là "thập kỷ quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta".

Thập kỷ đại dương

Theo đó, trong thập kỷ tới, cơ quan của Liên hợp quốc và cả hệ thống Liên hợp quốc cùng các đối tác sẽ huy động nỗ lực để bảo vệ đại dương trên toàn thế giới. UNESCO đã đánh dấu sự khởi đầu của thập kỷ này bằng một sự kiện trực tuyến toàn cầu mang tên: Một đại dương mới dũng cảm. 

Thập kỷ này nhằm nâng cao nhận thức về những thách thức và cơ hội to lớn mà đại dương mang lại để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

"Thập kỷ khoa học biển” được khởi động nhằm cảnh báo các tác động tiêu cực tới đại dương cũng như tạo động lực về phát triển và quản lý đại dương bền vững. Dưới hàng loạt các tác động như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đánh bắt khai thác quá mức các loại thủy hải sản…, các nhà khoa học hy vọng rằng “Thập kỷ khoa học biển” trong giai đoạn từ năm 2021 - 2030 sẽ hỗ trợ nhằm đảo ngược chu kỳ suy giảm sức khỏe sinh thái của đại dương và tạo điều kiện cải thiện, phát triển bền vững đại dương, biển và bờ biển.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra các cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội trên khắp hành tinh. UNESCO cho rằng, điều này buộc nhiều người phải nhìn nhận lại rằng chúng ta cần dựa vào một nền kinh tế xanh đang phát triển để “đưa chúng ta trở lại” trên con đường phục hồi.

Chính vì thế, Ngày Đại dương thế giới 8/6 được Liên Hợp Quốc thông qua sẽ là cơ hội để giới thiệu những ý tưởng bảo tồn; thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương. Chủ đề của Ngày Đại dương Thế giới năm nay được lấy thông điệp là “Đại dương: Sự sống và sinh kế” với ý nghĩa làm nổi bật sự đa dạng hệ sinh thái biển, lan tỏa ý nghĩa của đại dương đối với hoạt động sinh kế của con người và nguồn sống của các loài sinh vật trên Trái đất.

Tại Việt Nam, để hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2021 cũng lấy chủ đề “Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam”. Đây là một trong những mục tiêu đặt ra nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, hàng loạt các chương trình, dự án của Việt Nam cũng đã được thúc đẩy thực hiện như sáng kiến “Thành lập Đối tác vì khu vực các biển Đông Á không có rác thải nhựa”; triển khai giai đoạn 2 Đề án Tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển, hải đảo giai đoạn 2020 - 2026 gồm 36 dự án, nhiệm vụ. 

Bộ TN&MT đưa ra những sáng kiến, chương trình nghiên cứu khoa học, kết nối hoạt động khoa học biển, kinh tế biển, môi trường biển giữa Việt Nam và thế giới, kết nối nhà quản lý, nhà khoa học với doanh nghiệp, người dân thông qua các hoạt động truyền thông cụ thể, là động lực thúc đẩy nền kinh tế biển Việt Nam dần chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh lam” và sớm đưa nước ta đạt được những thành tựu kinh tế biển xứng tầm tiềm năng đang có.

Thông tin từ Tạp chí Kinh tế Môi trường/UN, AFP