Minh Anh ·
1 năm trước
 9114

Thế giới mất 16 nghìn tỷ USD trong 21 năm do biến đổi khí hậu

Một nghiên cứu do các học giả tại Dartmouth công bố năm 2022 cho thấy, các đợt nắng nóng do biến đổi khí hậu gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu ước tính khoảng 16 nghìn tỷ USD trong khoảng thời gian 21 năm kể từ những năm 1990.

Nhiệt độ tăng cao có thể gây ra thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khi năng suất lao động suy giảm.

Một trong những lý do chính khiến nhiệt độ cực cao gây ra mối đe dọa kinh tế là vì nó khiến việc làm trở nên khó khăn hơn. Nhiệt độ cao đi đôi với năng suất thấp. Trong điều kiện nắng nóng, con người thường làm việc chậm hơn, gặp nhiều rủi ro hơn trong khi chức năng nhận thức giảm sút. Những người nghèo nhất và ít có khả năng đối phó nhất thường bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cái nóng khắc nghiệt, và tình trạng giảm năng suất thường tập trung ở những công việc mà tiền lương có xu hướng thấp hơn mức trung bình.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự đoán rằng đến năm 2030, mỗi năm, tương đương với hơn 2% tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới sẽ bị mất đi, do thời tiết quá nóng hoặc do người lao động có để làm việc với tốc độ chậm hơn. Cũng theo nghiên cứu này, những người làm việc ngoài trời, đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc xây dựng có nguy cơ tử vong, thương tích, bệnh tật và giảm năng suất do tiếp xúc với nhiệt. Từ năm 1992 đến 2016, 285 công nhân xây dựng ở Mỹ đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến nhiệt, chiếm khoảng 1/3 tổng số ca tử vong do nghề nghiệp của cả nước.

Báo cáo mới đây từ Viện Kỹ sư Cơ khí (IMEchE) đã phân tích mức độ ảnh hưởng đối với thị trường lao động khi nhiệt độ tăng cao. "Nhiệt độ là một trong những yếu tố tạo nên sự thoải mái ở nơi làm việc. Nếu không thể đáp ứng được điều này, tinh thần, sức khỏe, năng suất làm việc hay thậm chí là sự an toàn của nhân viên sẽ bị ảnh hưởng”, báo cáo cho biết.

Mức nhiệt kỷ lục ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành, từ các ngành dịch vụ như du lịch đến các ngành công nghiệp, xây dựng, sản xuất, nông nghiệp, vận tải. Đầu tư bất động sản ở những nơi dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cũng bị ảnh hưởng và một số hoạt động thị trường có thể bị đóng cửa ở những khu vực này. Các lĩnh vực phụ thuộc vào carbon có thể sụp đổ khi các Chính phủ thắt chặt quy định về lượng phát thải carbon.

Năm 2019, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã công bố một báo cáo với những con số chi tiết về ảnh hưởng của nhiệt độ đến thị trường lao động. Theo đó, nhiệt độ quá cao đã gây thiệt hại 280 tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 1995. Các chuyên gia dự đoán đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 2.400 tỉ USD với những tác động rõ rệt nhất được thể hiện ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.

Trong báo cáo của ILO cũng nhấn mạnh 2 lĩnh vực xây dựng và nông nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Căng thẳng nhiệt độ năm 2030 có thể khiến ngành xây dựng và nông nghiệp mất đi 60% và 19% số giờ làm việc.

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, biến đổi khí hậu là mối đe dọa siêu lớn, là một trong các tác nhân đang kéo chậm nền kinh tế thế giới. Tổ chức Khí tượng Thế giới hồi tháng 5/2023 cảnh báo "Có 98% khả năng trái đất sẽ chứng kiến đợt nắng nóng chưa từng có trong vòng 5 năm tới”. Căng thẳng nhiệt độ là một vấn đề nghiêm trọng mà mọi ngành nghề cần phải lưu ý.