Phép đo của Trung tâm Dự báo môi trường quốc gia thuộc NOAA ghi nhận nhiệt độ không khí trung bình cả ngày trên bề mặt hành tinh là 17,01 độ C, vượt qua mức kỷ lục trước đó - 16,92 độ C - được thiết lập vào ngày 24-7-2022.
Nhiệt độ không khí trung bình toàn thế giới thường chỉ dao động trong khoảng 12 độ C, là con số bình quân của cả những vùng chúng ta đang sống lẫn các vùng cực rất lạnh.
Tính từ năm 1979 đến năm 2000, nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 16,2 độ C vào đầu tháng 7, là tháng rất nóng của mùa hè.
Theo nhà khoa học Robert Rohde từ Trường ĐH California ở Berkeley giải thích rằng nhiệt độ cực cao này là kết quả của cả biến đổi khí hậu và kiểu thời tiết El Nino.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Các nóng của mùa hè năm nay đã khiến hàng triệu người trên khắp thế giới gặp nguy hiểm. Trung Quốc hiện đang trải qua một đợt nắng nóng mới trong chưa đầy 2 tuần sau khi kỷ lục kéo dài hàng thập kỷ bị xô đổ tại Bắc Kinh. Nhiệt độ rất cao ở Ấn Độ được cho liên quan đến nhiều trường hợp tử vong ở những khu vực nghèo khó nhất của đất nước. Tuần trước, một vòm nhiệt nguy hiểm cũng bao trùm Texas và miền bắc Mexico trong khi đó Vương quốc Anh vừa trải qua tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận.
Kỷ lục "ngày nóng nhất" mới này có thể chưa phải là điểm dừng bởi nhiệt độ dự kiến tiếp tục tăng cho đến cuối tháng 7 - đầu tháng 8, thời điểm giữa mùa hè.
Góp phần vào điều đó, hiện tượng El Nino, thường gây tác động làm ấm toàn cầu, được các nhà khoa học khắp thế giới dự đoán sẽ đạt cực đại vào các tháng cuối năm nay.
Ngay từ tháng 6, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã đạt mức ấm nhất mà đơn vị giám sát khí hậu Corpernicus của Liên minh châu Âu (EU) từng ghi nhận được vào đầu tháng 6.
Tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo hiện tượng El Nino đã bắt đầu gây ảnh hưởng ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương lần đầu tiên sau 7 năm và sẽ gây ra hiện tượng gia tăng nhiệt độ. Chính điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại các kỷ lục về nhiệt độ sẽ bị xô đổ.
Hồi tháng 3, Hội đồng Liên chính phủ về biến đổi khí hậu dẫn báo cáo được thực hiện trong 5 năm cho thấy nhiều khả năng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng hơn 1,5 độ C trong thời gian tới. Hiện tại, những nỗ lực nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu chưa đủ. Lượng khí thải nhà kính toàn cầu cần được giảm xuống 60% so với mức của năm 2019 vào năm 2035 để giảm thiểu tác động.
Tổng thư ký LHQ António Guterres khi đó nhấn mạnh thế giới cần hành động mạnh và đồng bộ nhằm hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu. Cùng với đó, các nước cũng cần cai dần năng lượng hóa thạch và thay thế bằng các loại năng lượng xanh hơn.