Thành Vũ ·
16 tuần trước
 9925

Thêm dự án đề xuất "lấy" 68ha Vườn Quốc gia Tam Đảo

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến cộng đồng đánh giá tác động môi trường (ĐTM) liên quan đến dự án xây khách sạn và bungalow trong Vườn quốc gia Tam Đảo.

Theo báo cáo ĐTM, dự án "khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí số 13, Vườn quốc gia Tam Đảo" có địa điểm tại Vườn quốc gia Tam Đảo, thuộc địa phận xã Tam Quan (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) và xã Quân Chu (huyện Đại Từ, Thái Nguyên).

Chủ dự án là liên danh Công ty cổ phần Sông Hồng Tam Đảo - Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô.

Hiện trạng rừng khu vực thực hiện dự án bao gồm: rừng phục hồi, đất trống có cây gỗ tái sinh, rừng hỗn giao gỗ - tre nứa và các loại đất khác.

Về hiện trạng cao độ nền xây dựng, khu vực lập quy hoạch có địa hình đồi núi tương đối dốc, độ cao của toàn khu vực từ 780m đến dưới 1.000m so với mực nước biển.

Mục tiêu dự án để đầu tư, thuê môi trường rừng thực hiện đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí kết hợp với đó là bảo tồn môi trường sinh thái, bảo vệ và phát triển rừng.

Tổng diện tích thuê môi trường rừng tại Vườn quốc gia Tam Đảo để thực hiện dự án là 35,7ha (thời hạn thuê 30 năm).

Vị trí dự án nhìn trên bản đồ. (Ảnh chụp từ báo cáo).

Theo báo cáo ĐTM, dự án xây dựng mới công trình khách sạn (225 phòng) và các khu bungalow thiết kế đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Toàn dự án sẽ có khoảng 51 căn bungalow với 159 phòng ngủ. Bên cạnh đó, tại đây sẽ xây dựng công trình khách sạn cao 3 tầng nổi và 2 tầng hầm, tổng diện tích 4.071 m2, diện tích xây dựng 2.438 m2; mật độ xây dựng khoảng 59,9%, tổng diện tích sàn 12.700 m2, hệ số sử dụng đất 3,12 lần, tổng cộng có 126 phòng (gồm 46 phòng một giường và 80 phòng hai giường).

Tổng mức đầu tư của dự án này là 567 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng chiếm 481 tỷ đồng. Về tiến độ, dự kiến giai đoạn quý I/2024 - quý II/2025 dự án sẽ triển khai thi công xây lắp và lắp đặt thiết bị; kết thúc và đưa vào khai thác, sử dụng vào quý III/2025.

Liên danh CTCP Sông Hồng Tam Đảo - CTCP Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô làm chủ đầu tư dự án. CTCP Sông Hồng Tam Đảo có địa chỉ tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc, thành lập vào đầu năm 2022, ông Trần Anh Tuấn là người đại đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc. Sông Hồng Tam Đảo khởi đầu với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó CTCP Tập đoàn Sông Hồng Thủ đô nắm giữ 40%, Công ty TNHH Bình Minh Sapa nắm giữ 40%, còn lại ông Trần Đại Thắng và ông Nguyễn Minh Đức mỗi người nắm giữ 10%.

Về CTCP Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô tiền thân là CTCP Thương mại Sông Hồng Thủ Đô, được thành lập vào tháng 5/2004, có địa chỉ tại TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Tại thời điểm 2019 doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên tới 1.610 tỷ đồng, được góp hơn 99,8% từ Chủ tịch Nguyễn Văn Niên (56,52%) cùng vợ là bà Trần Diệu Hà. Đến tháng 3/2022, Sông Hồng Thủ Đô tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng.

Công ty liên danh cam kết thực hiện các biện pháp giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường. Đồng thời đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Vĩnh Phúc hướng dẫn, hỗ trợ trong công tác quản lý môi trường trong quá trình triển khai dự án.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ lấy ý kiến tham vấn cộng đồng về báo cáo ĐTM dự án "khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí số 13, Vườn quốc gia Tam Đảo" trong 15 ngày (kể từ ngày 27-12).

Đáng chú ý, cách đây 2 tháng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tham vấn ý kiến về ĐTM dự án Khu du lịch sinh thái số 2 của Công ty cổ phần Nam Tam Đảo (người đại diện pháp luật là ông Lê Xuân Trường, Tổng giám đốc) có quy mô 68ha tại Vườn quốc gia Tam Đảo (xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 731 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của chủ đầu tư hơn 180 tỷ đồng, còn lại 550 tỷ đồng là vốn huy động ngân hàng.

Theo ĐTM, Công ty Nam Tam Đảo đã ký hợp đồng với Vườn quốc gia Tam Đảo để thuê môi trường rừng đặc dụng nhằm kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ ngơi, giải trí.

Dự án dự kiến được chia thành hai giai đoạn thực hiện, giai đoạn 1 xây dựng gần 60,2ha và giai đoạn 2 trên 7,8ha.

Chủ đầu tư dự kiến từ đầu năm 2024 đến tháng 5/2026 sẽ thi công hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục công trình. Từ quý II/2026 dự án sẽ đi vào hoạt động.

Trong cơ cấu sử dụng đất, giai đoạn 1 sẽ bố trí hơn 2,3ha làm khu dừng chân nghỉ ngơi; 0,5ha đất nhà hàng - dịch vụ; 9,2ha đất cây xanh dịch vụ; 1,8ha đất dịch vụ - sinh hoạt cộng đồng; 0,3ha đất quảng trường, sân lễ hội; 4ha đất cây xanh cảnh quan; 3,2ha đất hạ tầng kỹ thuật; 3,5ha đất mặt nước...

Dự án có công suất phục vụ 500 khách mỗi ngày, tương đương 175.000 khách/năm. Số lượng nhân viên phục vụ ở đây khoảng 220 người.

Nói về các yếu tố nhạy cảm về môi trường, báo cáo ĐTM cho rằng "toàn bộ diện tích thực hiện dự án 68ha, trong đó có 57,57ha đất rừng đã được Vườn quốc gia Tam Đảo cho thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí".

Ngoài ra, nguồn tiếp nhận nước thải của dự án là suối Theo Cầu. Nước từ suối chảy về hồ Thanh Lanh - công trình cấp II, được xây dựng với nhiệm vụ tưới cho đất canh tác nông nghiệp của 4 xã Trung Mỹ, Thiện Kế, Bá Hiến và Sơn Lôi.

Hồ Thanh Lanh còn có nhiệm vụ ngăn lũ cho các xã vùng thấp của huyện Bình Xuyên, phục vụ du lịch và phục vụ đối tượng kinh tế khác.

"Việc thực hiện xây dựng bố trí các công trình của dự án tại những nơi đáng sống, không chặt hạ cây rừng", báo cáo ĐTM nêu quan điểm.

Theo Thành Vũ/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7254018621324498