Giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước
Trong những năm qua thời tiết, khí hậu tại Bình Thuận luôn luôn diễn biến bất thường. Nguyên nhân là do tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng khô hạn xảy ra liên tục trong nhiều năm. Trong đó nghiêm trọng nhất tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tuy Phong. Do nắng hạn nên mực nước các hồ chứa hiện có đã cạn kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất.
Việc đầu tư xây dựng các hồ chứa nước để từng bước khắc phục tình trạng khô hạn đối với tỉnh Bình Thuận là hết sức cấp bách và cần thiết. Là một tỉnh còn khó khăn về nguồn thu ngân sách, không có khả năng cân đối nguồn vốn để đầu tư cho công trình.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An: Bình Thuận chuyển 619 ha rừng thành hồ chứa nước nhằm giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước cho vùng đất khô cằn, nơi nước quý như "ngọc".
Bình Thuận cùng với Ninh Thuận là hai tỉnh khô hạn nhất Việt Nam. Đây là vùng có lượng mưa rất thấp, chỉ 800-1.150 mm/năm, nhiều vùng đất khô cằn, hoang hóa, sản xuất nông nghiệp chỉ nhờ vào nước mưa. Chỉ tính nhu cầu nước sản xuất nông nghiệp hàng năm, Bình Thuận cần hơn 500 triệu m3.
Do đó, trách nhiệm của tỉnh là lo nước cho dân. Nhiều nhiệm kỳ qua, Bình Thuận tìm mọi cách, vừa xin Trung ương, vừa dùng nguồn lực địa phương xây dựng hệ thống hồ chứa nước, kênh mương thủy lợi trên toàn tỉnh.
Nước là tài nguyên. Rừng cũng là tài nguyên. Giữ rừng cho dân, giữ nước cũng là cho dân. Nhưng rừng có thể tái tạo được, dù rừng trồng không thể bằng rừng tự nhiên. Còn nước thì mình không tự làm ra được. Cũng có phương pháp lấy nước biển làm nước ngọt, nhưng rất tốn kém, điều kiện hiện nay tỉnh chưa thể đáp ứng.
Ai cũng biết, mất rừng sẽ làm suy giảm nước ngầm. Nhưng làm hồ cũng là một hình thức tích tụ nước mặt, làm tăng mực nước ngầm. Khi đề xuất dự án này, tỉnh và các đơn vị liên quan lựa chọn phương án ít tác động nhất, nhưng đem lại hiệu quả cao. – Người đứng đầu Bình Thuận nhấn mạnh.
Phối cảnh hồ thủy lợi Ka Pét.
Khó tránh khỏi tác động tiêu cực
UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, hồ chứa nước Ka Pét có vị trí trên sông Ba Bích (còn gọi là sông Ta Da) thuộc hai xã Mỹ Thạnh và Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam. Vùng lòng hồ là các thung lũng chi nhánh hai sông Ka Pét và Bà Bích.
Sự chuyển hướng của các dãy núi hai bờ sông chính và sông nhánh đã hình thành thung lũng tự nhiên rộng, thuận lợi tạo hồ chứa. Dự án gồm hồ chứa nước với dung tích khoảng 51 triệu m3, đập chính, kênh chuyển nước và cụm điều tiết. Trong đó, hồ chứa nước với diện tích khoảng 10km2 và đập ngăn sông cao khoảng 28m.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, khó khăn nhất của dự án là khi xây dựng sẽ gây ngập lòng hồ với diện tích khoảng 718ha, trong đó hơn 160ha là rừng đặc dụng. Tại thời điểm lập báo cáo, hệ sinh thái trên cạn chủ yếu là rừng được bảo vệ nghiêm ngặt nên còn khá nguyên vẹn.
Dự án hồ chứa nước Ka Pét tác động lớn đến hệ sinh thái khu vực lòng hồ vốn phong phú, đa dạng về số lượng loài. Tuy nhiên, dự án không ghi nhận loài thực vật nào quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Việc xây dựng hồ chứa, tác động chủ yếu là hệ thủy sinh và động thực vật trên cạn. Các loài thú động vật sẽ di chuyển qua các khu rừng lân cận, còn các loài thủy sinh sẽ bị suy giảm. Tác động này có thể diễn ra trong quá trình xây dựng và lâu dài sau này.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, việc xây dựng dự án sẽ làm giảm diện tích đất rừng tự nhiên, phân mảnh các hệ sinh thái, ảnh hưởng đến các loài động vật hoang dã. Quá trình xây dựng có thể tăng khả năng tiếp cận vào rừng của người dân địa phương, dân săn trộm, công nhân thi công dự án …
Về lâu dài, mất rừng sẽ mang lại hệ lụy lớn như lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất. Vì vậy, với dự án này cần phải có phương án giải phóng mặt bằng và trồng rừng thay thế phù hợp.
Trồng hơn 1.800 ha rừng thay thế
Về công tác trồng rừng thay thế, UBND Bình Thuận cho biết, sẽ có tổng diện tích phải trồng rừng thay thế là 1.844,54ha. Trong đó rừng đặc dụng là 137,95ha; rừng phòng hộ là 0,51ha; rừng sản xuất là 440,4 ha, đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72 ha và đất không có rừng 60,14 ha.
Phương án trồng rừng thay thế (đợt I) với diện tích là 434,22ha (144,74ha rừng tự nhiên). UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục rà soát bổ sung đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế 1.410,32ha cho diện tích rừng cần trồng thay thế còn lại.
Theo báo cáo ngày 10/6/2023 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đã có 77 lượt đại biểu Quốc hội góp ý tại tổ và 11 lượt ý kiến góp ý tại hội trường về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét.
Ngoài Khu bảo tồn thiên nhiên núi Ông và Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Koú, các đại biểu cho rằng nên gắn việc trồng rừng thay thế với tạo việc làm cho người dân địa phương, có thể trồng rừng thay thế trên diện tích quy hoạch rừng sản xuất...