Bích Ngọc ·
5 ngày trước
 9782

Thị trường chứng khoán Việt Nam được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm

Các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản đang quan tâm đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo ông Kojima Kazunobu - Cố vấn trưởng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), thị trường chứng khoán Việt Nam đang được các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm. Nếu các công ty lớn và các công ty mới nổi có sức hút đầu tư tiến hành huy động vốn qua IPO và niêm yết, một lượng lớn vốn nước ngoài sẽ chảy vào.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tuy vậy, trong những năm gần đây, lượng công ty thực hiện IPO và niêm yết mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất hạn chế. Cơ hội tốt nhất để nhà đầu tư nước ngoài đầu tư chứng khoán tại Việt Nam là tham gia IPO, nhưng quy trình IPO qua đấu giá hiện nay khiến họ khó tham gia. Hy vọng một phương thức IPO mới, tương thích với các chuẩn mực quốc tế như bảo lãnh phát hành/dựng sổ sẽ sớm được thiết lập tại Việt Nam.

Về dự án hợp tác kỹ thuật giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với JICA nhằm "Nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả thị trường chứng khoán Việt Nam” vừa được công bố, ông Kojima Kazunobu đánh giá, đây là dự án tiếp nối của hợp tác hai bên, góp phần đưa thị trường Việt Nam nâng hạng thành "thị trường mới nổi" và hội nhập với thị trường vốn quốc tế.

ông Kojima Kazunobu cho hay, hướng tới năm 2030, ông nghĩ thành tựu to lớn tiếp theo của hợp tác là thúc đẩy thành công các mục tiêu tăng cường thị trường sơ cấp theo các chuẩn mực về thị trường vốn cổ phần quốc tế và sử dụng các tổ chức tự quản hiệu quả.

Cố vấn trưởng JICA cho biết, dự án này có ba mảng hoạt động chính. Đó là tăng cường năng lực giám sát thị trường để giúp các cơ quan chứng khoán và sở giao dịch tăng cường phát hiện, quản lý và ngăn ngừa các giao dịch không công bằng. Tiếp đó, cải thiện và phát triển chất lượng các định chế trung gian thị trường, trong đó bao gồm các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ.

Cùng với đó, cải thiện năng lực quản lý chào bán ra công chúng và niêm yết. Hoạt động này bao gồm chào bán ra công chúng bằng các phương thức theo chuẩn quốc tế (bảo lãnh phát hành/dựng sổ), tăng cường tiêu chuẩn niêm yết và hoạt động kiểm tra, tăng cường công bố thông tin, bao gồm cả thông tin phi tài chính của các công ty đã niêm yết…

Hoạt động cải thiện hoạt động chào bán ra công chúng và niêm yết theo chuẩn mực quốc tế được dự kiến sẽ là tiền đề cho những thay đổi lớn trong tương lai theo hướng có lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này phụ thuộc vào tiến triển trong các cuộc thảo luận về chuyển dịch các đợt IPO hiện tại của Việt Nam - vốn được thực hiện thông qua đấu giá, sang phương thức bảo lãnh phát hành và dựng sổ, trong đó IPO được triển khai đồng thời với thủ tục phê duyệt niêm yết.

Ông Kojima Kazunobu cho rằng nếu làm được điều này thì các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có cả nhà đầu tư Nhật Bản sẽ có thể đầu tư vào các cổ phiếu hấp dẫn, mới niêm yết ngay từ giai đoạn IPO. Qua đó, dự kiến sẽ làm tăng đáng kể cơ hội đầu tư của họ vào cổ phiếu Việt Nam.

Phiên giao dịch đầu tuần thị trường chứng khoán Việt Nam khá ảm đạm. Lực cầu tỏ ra thận trọng và lực bán không quá áp đảo khiến chỉ số chính quanh mốc tham chiếu xuyên suốt phiên giao dịch. Đóng cửa phiên 23/9, VN-Index giảm 3,56 điểm xuống 1.268,48 điểm (-0,28%).

Về giao dịch khối ngoại, phiên nay nhóm nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tổng cộng 181 tỷ đồng trên toàn thị trường, cụ thể:

Trên HOSE, khối ngoại mua ròng gần 214 tỷ đồng

Tại chiều mua, cổ phiếu MWG và CCQ FUEVFVND được khối ngoại mua mạnh nhất trên HOSE với cùng giá trị 69 tỷ đồng mỗi mã. Theo sau, HCM là mã tiếp theo được gom 67 tỷ đồng. Ngoài ra, NAB và VCB cũng được mua lần lượt 48 và 39 tỷ đồng.

Ngược lại, VRE chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại với gần 48 tỷ đồng. Theo sau là VND, VNM cũng bị "xả" khoảng 30 tỷ đồng.

Trên HNX, khối ngoại mua ròng hơn 30 tỷ đồng

Tại chiều mua, cổ phiếu MBS được mua ròng mạnh nhất với giá trị 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng chi vài tỷ đồng để gom ròng IDC, SHS, TNG.

Chiều ngược lại, VTZ là mã chịu áp lực bán ròng của khối ngoại với giá trị 2 tỷ đồng; theo sau TIG, DTD, DL1 cũng bị bán vài trăm tới 1 tỷ đồng.

Trên UPCOM, khối ngoại bán ròng hơn 63 tỷ đồng

Chiều mua, cổ phiếu KLB, CSI, VE9 được mua ròng mỗi mã vài trăm triệu đồng.

Ngược chiều, MCH bị khối ngoại xả ròng đột biến 41 tỷ đồng; QNS cũng bị khối ngoại bán ròng trên 10 tỷ đồng mỗi mã. Khối ngoại cũng bán ròng tại GDA, LTG, HNG...

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/8554145311311816