Bích Ngọc ·
37 tuần trước
 8857

Thị trường chứng khoán Việt Nam bị tác động thế nào khi tỷ giá bất ngờ "dậy sóng"?

MBS cho hay, quá trình nới lỏng tiền tệ có thể bị ngừng lại do đà tăng của tỷ giá VND/USD nhưng chưa thể khiến NHNN đảo chiều chính sách.

Tại báo cáo mới công bố, Chứng khoán MBS nhấn mạnh quan điểm thận trọng trước đà tăng của tỷ giá trong thời gian gần đây. Cụ thể, trong hai tuần gần đây tỷ giá VND/USD biến động mạnh, tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm sau khi giữ ổn định và đi ngang trong tháng 7. So với thời điểm cuối tháng 7, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do tăng 170 đồng và hiện giao dịch ở mức 23.840 đồng/USD.

Tỷ giá trung tâm và liên ngân hàng lần lượt giao dịch ở mức 23.881 đồng/USD (tăng 123 đồng) và 23.918 đồng/USD (tăng 195 đồng). Tỷ giá VND/USD giao dịch tại các Ngân hàng Thương mại chiều bán ra phổ biến giao động quanh mức 24.120. Xét về mặt bằng chung, so với đầu năm tỷ giá VND/USD tăng 1,62% và tăng 2% so với mức thấp nhất năm được thiết lập trong tháng 5/2023.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Được biết, tỷ giá VND/USD tăng mạnh trong bối cảnh Việt Nam duy trì mức thặng dư thương mại lớn là 16,2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm. Mức FDI giải ngân ổn định đạt 11,58 tỷ USD và dự trữ ngoại hối giá tăng lên mức 93 tỷ USD cho thấy không hẳn yếu tố cung cầu USD là nguyên nhân khiến tỷ giá gia tăng so với đầu năm.

Nếu xét các yếu tố áp lực từ thị trường ngoại hối toàn cầu, trong hai tuần đầu tháng 8 USD-Index đã tăng lại lên mức 103 điểm sau khi chạm ngưỡng thấp nhất năm là mức 99,7 điểm trong tháng 7. Các đồng tiền khác trong khu vực cũng có xu hướng mất giá so với USD trong 2 tuần đầu tháng 8. So với đầu năm các đồng tiền trong khu vực đa phần cũng mất giá so với USD với mức giao động từ 3-5%. Vì thế, theo MBS, VND cũng chịu sức ép giảm giá một phần từ yếu tố này.

Nói về nguyên nhân khiến tỷ giá leo thang, theo đội ngũ phân tích MBS, hiện chính sách tiền tệ của Việt Nam là yếu tố chính khiến VND giảm giá so với USD. NHNN trong thời gian qua đã có các động thái hạ lãi suất quyết liệt để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và để tỷ giá VND/USD biến động ở mức thấp. Ngày 14/8/2023, NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm thêm 1,5-2% lãi vay, áp dụng với cả khoản vay hiện hữu.

Những động thái nới lỏng tiền tệ cùng thông điệp mạnh mẽ của NHNN đã khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao, khuyến khích nắm giữ USD qua đó gây sức ép lên VND.

Lãi suất cho vay qua đêm VND hiện tại ở mức 0,2%. Còn lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các ngân hàng ở mức trên 5%. Đây là mức chênh lệch lớn và khó có khả năng thu hẹp trong tương lai gần cộng thêm nhu cầu USD cũng thường gia tăng vào cuối năm theo yếu tố mùa vụ khiến cho tỷ giá VND/USD nhiều khả năng  trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng lên.

Tuy áp lực lên VND đã tăng nhưng chuyên gia MBS đánh giá điều này không gây áp lực lên ổn định kinh tế vĩ mô và mức giảm giá của VND so với USD vẫn còn khá thấp so với các đồng tiền khác trong khu vực. Chính vì thế, đà tăng của tỷ giá VND/USD có thể làm ngừng lại quá trình nới lỏng tiền tệ nhưng cũng chưa thể khiến NHNN đảo chiều chính sách.

Tuy vậy, diễn biến gần đây của tỷ giá VND/USD sẽ khiến NHNN thận trọng hơn với các thông điệp nới lỏng chính sách tiền tệ. NHNN có nhiều khả năng sẽ không tiếp tục hạ lãi suất điều hành trước khi NHTU Mỹ có động thái hạ lãi suất vào năm sau.

Về tác động của tỷ giá đến TTCK Việt Nam, theo đánh giá của MBS, kỳ vọng NHNN hạ lãi suất điều hành cũng là một trong các động lực hỗ trợ đà tăng của thị trường trong 4 tháng vừa qua. Vì vậy, nếu trong các ngày tới tỷ giá VND/USD tiếp tục tăng, nhiều khả năng TTCK sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh từ 3-5%.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6734949863231379/?