Hồ Hằng ·
1 năm trước
 6655

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam "bình yên" trước các cơn gió ngược

Báo chí quốc tế có nhiều bài viết về tiềm năng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam - nơi được xem là "bình yên" trước các cơn gió ngược của kinh tế thế giới.

Việt Nam sẽ nằm trong top 3 quốc gia thu hút nhiều nhà đầu tư thương mại điện tử nhất; Đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có thể ngang với bán lẻ truyền thống… rất nhiều triển vọng tích cực về thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá.

Chuyên trang về khởi nghiệp và đầu tư của Đông Nam Á có bài phân tích cụ thể về tâm lý của người Việt trong cả việc mua và bán với nhan đề "Thú vui mua sắm trực tuyến: Hãy khám phá thiên đường thương mại điện tử Việt Nam".

Mạng xã hội, các clip ngắn, livestream có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến một bộ phận giới trẻ không nhỏ đang mua sắm trực tuyến. Họ thích thử nghiệm những điều mới mẻ, sẵn sàng giới thiệu cho bạn bè và tiết kiệm tiền bằng cách mua chung.

Nhưng ở cuối bài viết, tác giả nhận định thêm mặc dù người tiêu dùng Việt Nam thích mua sắm trực tuyến, nhưng cần nhấn mạnh rằng phần lớn những thứ họ mua có giá thành thấp bởi lo lắng về chất lượng sản phẩm và phương thức thanh toán an toàn.

Thương mại điện tử của Việt Nam phát triển nhanh còn qua những con số. Trang điện tử Xin chào Việt Nam của Trung Quốc cho biết 50% công ty Việt có hạng sao cao trên sàn thương mại điện tử Alibaba.

Còn theo báo cáo mới nhất của Amazon Global Selling Vietnam, trong năm 2022, số lượng các nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon tăng hơn 80%, giá trị xuất khẩu tăng hơn 45%. Tuy vậy, số lượng các nhà bán hàng Việt mới chỉ chiếm một lượng nhỏ so với thị trường 300 triệu khách hàng này.

Nhiều bài báo khẳng định, thị trường thương mại điện tử Việt Nam là nơi ổn định giữa suy thoái kinh tế toàn cầu. Dự báo thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể chạm mốc 32 tỷ USD vào năm 2025 với nhiều tiềm năng chưa khai phá hết.

"Tôi tin thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ ổn định vì so với châu Âu và Nhật Bản, người Việt Nam làm quen với công nghệ rất nhanh như việc thanh toán trực tuyến. Bên cạnh đó, những yếu tố như Việt Nam có dân số trẻ hay việc thuê mặt bằng kinh doanh ở các thành phố lớn đắt đỏ sẽ khiến cho thương mại trực tuyến trở thành giải pháp.

Người tiêu dùng Việt Nam đang được hưởng lợi nhất từ một thị trường công bằng. Các nền tảng made in Vietnam thì hãy phân tích và học hỏi cách đi của họ và tìm ra thế mạnh riêng cho mình để trở nên cạnh tranh hơn trong lĩnh cực này", ông Filipo Bortoletti - Trưởng đại diện Dezan Shira & Associates tại Việt Nam nhận định.