Tại phiên chất vấn ở Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào sáng ngày 6/11, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) đã tham gia chất vấn về việc hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội là một chủ trương rất nhân văn của Đảng và Nhà nước, được cử tri và nhiều người dân phấn khởi và kỳ vọng. Tuy nhiên đến nay tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp (chỉ khoảng 100 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết khó khăn, vướng mắc và giải pháp để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội, cùng với đó là những giải pháp của NHNN để đẩy nhanh hơn nữa việc thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới.
Giải đáp chất vấn này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội với người thu nhập thấp, công nhân với mục tiêu có 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội tới năm 2030. Nguồn tiền cho gói tín dụng này đến từ nguồn huy động tín dụng trong dân và có lãi suất ưu đãi từ nguồn tài chính của các ngân hàng tham gia.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Theo bà Hồng, khi chính sách này được ban hành, NHNN đã hướng dẫn các nhà băng và đề nghị UBND các tỉnh quan tâm, công bố dự án thuộc chương trình cho vay. Các ngân hàng cũng đưa ra quy trình nội bộ để triển khai gói tín dụng.
Hiện nay, có 18/63 UBND gửi văn bản công bố dự án tham gia chương trình, 53 dự án với nhu cầu vay 27.000 tỷ đồng. Đến cuối tháng 10, các ngân hàng đã giải ngân được 105 tỷ đồng cho 3 dự án tại 3 địa phương.
Theo Thống đốc NHNN, nguyên nhân khiến gói tín dụng này hạn chế trước tiên là do nguồn cung về nhà thuộc đối tượng vay là lao động thu nhập thấp, hạn chế. Nhu cầu nhà ở lớn thế nhưng nhu cầu vay để mua nhà thì họ cần cân nhắc kỹ càng.
Ngoài ra, điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội vẫn còn bất cập, chẳng hạn như: quy định về thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân, chưa có nhà ở... Theo Thống đốc NHNN, gói vay này thực hiện 10 năm, trong khi cho vay bất động sản thường kéo dài và giải ngân theo thời gian, nên đạt thấp. Do đó, NHNN kiến nghị UBND các tỉnh/thành phố sớm công bố danh mục các dự án thuộc diện cho vay. Cùng với đó, NHNN sẽ tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân nắm rõ.
Chưa thể bỏ 'room' tín dụng
Đây cũng là quan điểm bà Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Theo Thống đốc, điều hành tăng trưởng tín dụng tiến đến xóa bỏ là một trong các giải pháp điều hành của NHNN, kết hợp với các công cụ chính sách khác. NHNN điều hành bám sát theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ.
Bà Hồng cho hay, tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, có thể thấy trong điều kiện hiện nay, chưa thể bỏ việc điều hành tăng trưởng tín dụng do nhu cầu vốn của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng.
Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm việc phát triển phân khúc khác của thị trường vốn như trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo nhu cầu vốn trung và dài hạn. Còn các tổ chức tín dụng chủ yếu cung ứng nguồn vốn ngắn hạn và vốn lưu động.
Để tránh trường hợp tùy ý trong việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng, theo bà Hồng, hàng năm NHNN có định hướng, nhưng trên cơ sở này cũng có nguyên tắc chung, đó là xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, có một số tiêu chí khác như mặt bằng lãi suất giảm, tham gia vào quá trình tái cấu trúc... sẽ được cộng điểm.
Nói về việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, bà Hồng cho rằng đây là vấn đề rất khó và chưa có tiền lệ, trong khi năng lực cán bộ còn hạn chế, cơ chế chính sách hỗ trợ cần sự giúp đỡ từ các cơ quan liên quan. Hiện nay, NHNN đang trong quá trình thực hiện theo tiến độ và trình các cơ quan liên quan.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/376403150450022/posts/872682367488762/?