Huyền My ·
1 năm trước
 3504

Thu hút đầu tư xanh - Việt Nam hiện thực hóa nhanh, định hướng phát triển bền vững

Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới, FDI vẫn tiếp tục được xác định là kênh đầu tư quan trọng để Việt Nam xây dựng nền kinh tế xanh, giúp Việt Nam hiện thực hóa nhanh các định hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.

Điểm đến thu hút đầu tư xanh gây chú ý với nhiều tập đoàn lớn

Nhiều năm qua, bên cạnh những đóng góp tích cực và yêu cầu "xanh hóa" nguồn vốn FDI đã được quan tâm, song vẫn còn nhiều dự án FDI có tác động tiêu cực đến môi trường. Trong bối cảnh đó, việc thu hút vốn FDI xanh trở thành yêu cầu cấp thiết đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP 27) chuẩn bị diễn ra. Một năm kể từ COP 26, con số 100 tỷ USD mỗi năm mà các nước phát triển cam kết với các nước đang phát triển trong ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn chưa được thực thi.

Việt Nam tiếp tục minh chứng việc trở thành một điểm đến thu hút đầu tư xanh gây chú ý với nhiều tập đoàn lớn. (Ảnh minh họa)

COP 27 năm nay được tổ chức tại Ai Cập. Với chủ đề cùng nhau thực thi, COP27 năm nay dự kiến không có thêm cam kết mới nào, mà là nơi bàn thảo để thúc đẩy thực thi cam kết tại COP26. Tài chính vẫn là một trong những nội dung quan trọng, nhất là đối với các quốc gia đang phát triển, chịu nhiều tổn thương về biến đổi khí hậu như ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, từ nay đến năm 2040, cần khoảng 368 tỷ USD để theo đuổi được lộ trình phát triển kết hợp với khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0.

Đây là kết luận từ Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam do tổ chức Ngân hàng Thế giới thực hiện mới được công bố.

Với tiềm năng thu hút nguồn tài chính này cũng được khuyến cáo đến từ 3 khu vực. Khu vực công là 130 tỷ USD, tương đương 2,4% GDP mỗi năm. Nguồn tài chính bên ngoài là 54 tỷ USD, tương đương 1% GDP mỗi năm. Khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò nòng cốt với 184 tỷ USD tương đương 3,4% GDP mỗi năm.

Kể từ sau COP 26, trong suốt 1 năm qua, Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26 và nhiều kế hoạch chiến lược quốc gia quan trọng khác liên quan. Trong bối cảnh toàn cầu phục hồi sau Covid-19, Việt Nam tiếp tục minh chứng việc trở thành một điểm đến thu hút đầu tư xanh gây chú ý với nhiều tập đoàn lớn. Ngay trong ngày 3/11 là lễ khởi công nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn Lego.

Đây là nhà máy thứ 6 của tập đoàn Lego trên thế giới. Nhà máy này dự kiến sẽ tạo ra 4.000 việc làm trong vòng 15 năm tới. Ngoài hệ thống điện mặt trời áp mái, nhà máy còn có một trang trại điện mặt trời được xây dựng bên cạnh để đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất. Nhà máy trung hòa carbon của Lego chỉ là một trong nhiều minh chứng về sự dịch chuyển đầu tư phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch Tập đoàn LEGO (Đan Mạch), Tổng Giám đốc Công ty LEGO Việt Nam, cho biết: "Nhà máy tại Việt Nam sẽ là nhà máy thứ 6 của chúng tôi và cũng là nhà máy trung hoà carbon đầu tiên. Nhà máy này sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng của chúng tôi với vai trò ngang hàng với 5 nhà máy còn lại. Chúng tôi sẽ cung cấp tất cả sản phẩm sản xuất tại Việt Nam cho khách hàng ở toàn khu vực Đông Nam Á".

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho hay: "Chúng tôi thấy rằng có làn sóng khảo sát đến từ châu Âu sang Việt Nam lớn hơn rất nhiều. Từ giờ cho tới cuối năm sẽ có một làn sóng các doanh nghiệp và các nhà đầu tư tiềm năng sang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là vào lĩnh vực công nghệ xanh.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2022 trong tháng 11. Sự kiện này được kỳ vọng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết đã đưa ra tại COP26 và đạt được các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2030.

Các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, nên dòng vốn FDI mới theo hướng "xanh", phục vụ phát triển bền vững được dự báo sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam trong những năm tới.

Nguồn tài chính xanh thích ứng biến đổi khí hậu

Vấn đề tìm kiếm nguồn tài chính cho tăng trưởng xanh là một trọng tâm thảo luận và đã được kết quả đáng chú ý tại Tuần lễ tăng trưởng xanh toàn cầu, sự kiện quốc tế quy mô lớn vừa diễn ra trước thềm COP27. Tại đây, Việt Nam cũng được nhận định có nhiều cơ hội để đón nguồn tài chính xanh

Chia sẻ của bà Helena Mcleod, Phó Tổng Giám đốc Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI): "Nền tảng Giao dịch Carbon là nền tảng cho phép tiến hành các giao dịch giữa các nước mua và bán tín chỉ carbon trên một sân chơi bình đẳng, nơi mà các nước bán có thể được hưởng lợi. Điều đó có nghĩa là nếu một nước có carbon để giao dịch, chúng tôi sẽ hỗ trợ nước đó về khung quản trị, cũng như làm rõ và phát triển các thỏa thuận. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là những giao dịch đầu tiên trên thế giới theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris mà các nước đã nhất trí tại hội nghị COP26 năm ngoái về giao dịch carbon".

Tại hội nghị COP26, Điều 6 của Thỏa thuận Paris đã được hoàn tất, qua đó thiết lập một khuôn khổ để các quốc gia trao đổi tín chỉ carbon dựa trên Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).

Ông Jechul Yoo, Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc cho rằng: "Việt Nam là quốc gia đầu tiên Hàn Quốc ký Bản ghi nhớ về biến đổi khí hậu và hợp tác theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris. Chúng tôi hy vọng rằng 2 nước có thể hợp tác trong các dự án khác nhau liên quan đến giảm nhẹ và thích ứng biến đổi khí hậu gắn với các khoản viện trợ ODA và khung giảm phát thải toàn cầu".

Hiện có 46 quốc gia trên thế giới áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon. Riêng Việt Nam, ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ thì có thể thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm.