Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc xử lý kiến nghị của Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bamboo Airways cần nỗ lực tái cơ cấu, vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn mạnh; chủ động báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc.
Ảnh Bamboo Airways.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu báo cáo của Bamboo để xem xét, hỗ trợ, xử lý theo thẩm quyền và quy định pháp luật nhằm phát triển hãng hàng không này; báo cáo Thủ tướng về kết quả xử lý trước ngày 15/9.
Trong đó, vai trò của Bộ GTVT liên quan đến việc duy trì điều kiện hoạt động của Bamboo Airways để bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.
Bộ Tài chính liên quan đến khó khăn của hãng trong việc chuyển nhượng cổ phần cho Nhà đầu tư mới kéo dài do phải phối hợp giải quyết với nhiều bên liên quan (nhà đầu tư cũ, ngân hàng, các cơ quan Nhà nước liên quan…).
Bộ Kế hoạch & Đầu tư liên quan khó khăn của hãng trong việc thẩm định cho phép tăng quy mô đội máy bay lên trên 30 chiếc. Bamboo cho rằng quá trình thẩm định này bị kéo dài, làm chậm đà phục hồi và phát triển cũng như mất cơ hội kinh doanh của hãng.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước làm việc với Bamboo Airways để tháo gỡ khó khăn về vốn và tham gia cổ phần của các ngân hàng có đủ điều kiện.
Thủ tướng yêu cầu các bên báo cáo kết quả xử lý vấn đề này trước ngày 15/9.
Trước đó, trong tài liệu cho cuộc họp đại hội cổ đông thường niên vừa công bố, Bamboo Airways đã công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022.
Theo đó, trong năm 2022, Bamboo Airways đã thực hiện 51.236 chuyến bay, vận chuyển hơn 7 triệu lượt hành khách, tăng 176% so với năm 2021. Bamboo Airways đạt doanh thu thuần hơn 11.732 tỉ đồng, gấp 3,3 lần doanh thu năm 2021.
Tuy nhiên, với tình trạng kinh doanh dưới giá vốn, Bamboo Airways lỗ gộp 3.209 tỉ đồng trong năm 2022, doanh thu tài chính giảm mạnh chỉ còn hơn 121 tỉ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ.
chi phí tài chính lại tăng lên 1.406 tỉ đồng, gấp 4,7 lần cùng kỳ. Đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến lên 12.750 tỉ đồng, trong khi năm 2021 chỉ hơn 158 tỉ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu là hãng bay trong năm 2022 đã trích lập dự phòng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi gần 9.700 tỉ đồng và trích lập dự phòng cho các khoản phải thu dài hạn khó đòi 2.800 tỉ đồng.
Đây là nguyên nhân chính khiến Bamboo Airways lỗ sau thuế17.619 tỉ đồng trong năm tài chính 2022.
Nếu loại trừ các khoản dự phòng phải thu này thì hoạt động kinh doanh chính của Bamboo Airways trong năm 2022 lỗ hơn 5.000 tỉ đồng.