Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ cuối năm 2022 đến nay đã có nhiều chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn. Qua đó, thị trường bất động sản đã có chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Tuy vậy, doanh nghiệp và thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về các thủ tục pháp lý, tiếp cận tín dụng, đặc biệt là thủ tục giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất do đó thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp để tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, tín dụng bất động sản để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, NHNN chỉ đạo tiếp tục rà soát, có giải pháp thiết thực hiệu quả thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng thương mại để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn, dòng tiền.
Thêm vào đó, Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, có giải pháp khả thi triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6745/VPCP-CN ngày 31/8/2023.
Trong Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất. Đồng thời, tiếp tục rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn. Có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản.
Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục điều kiện cho vay thuận lợi thông thoáng, kiểm soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại khẩn trương hướng dẫn các thủ tục vay vốn tín dụng đối với các dự án đã được công bố đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đối với cả chủ đầu tư và người cần mua nhà của chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Nhìn vào số liệu từ Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm 2023, cả nước có 1.067 doanh nghiệp bất động sản giải thể (tăng 9,5% so với cùng kỳ). Ngành chứng kiến lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất trong kỳ này là bất động sản, trong khi đó số doanh nghiệp trong ngành thành lập mới đạt 3.850 đơn vị (giảm 50,2% so với cùng kỳ). Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản Việt Nam, hai quý đầu năm nay, thị trường chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp bất động sản “bốc hơi”. Sang quý III, tình hình sức khỏe các doanh nghiệp bất động sản đã có dấu hiệu được cải thiện. Tuy vậy, mỗi tháng trung bình vẫn có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Với các sàn giao dịch bất động sản, 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự với hi vọng thị trường bất động sản sẽ khôi phục vào cuối năm. |
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7196049683788059/?