Hà Lan ·
3 năm trước
 5073

Thừa Thiên Huế bảo tồn và phát triển đầm phá An Giang - Cầu Hai

Tam Giang - Cầu Hai là vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á không chỉ có giá trị cao về tài nguyên, đa dạng sinh học, mà còn có chức năng vô cùng quan trọng về môi trường sinh thái , có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Phong phú về tài nguyên và đa dạng sinh học

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích khoảng 22.000 ha, kéo dài 68 km dọc bờ biển Thừa Thiên Huế theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và rộng từ 1 đến 10 km, tổng diện tích mặt nước là 216 km2. Tam Giang - Cầu Hai phủ gần kín với 2 cửa Thuận An và Tư Hiền ăn thông ra biển, gồm 3 đầm - phá hợp thành (phá Tam Giang, đầm Thủy Tú và đầm Cầu Hai), nơi đây tiếp nhận nguồn nước ngọt gần như tất cả các con sông lớn tại tỉnh và giao thoa với nước biển nên nước đầm tương đối ngọt rồi chuyển sang nước lợ vào mùa khô.

Theo các nhà nghiên cứu, Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là một trong những đại diện hiếm hoi của hệ sinh thái ven biển nhiệt đới với môi trường phức tạp và đa dạng; chứa trong mình vùng đồng bằng châu thổ, vùng nước nông mở, vùng nước với đệm cỏ, các cửa sông và những nhánh sông bao quanh bởi những đụn cát chắn. Chính vì thế, Tam Giang - Cầu Hai có tính đa dạng sinh học rất cao, xứng đáng là một bảo tàng nước, bảo tàng sinh học. Kết quả điều tra gần đây đã thống kê được tổng số loài tại khu vực này là 1.296 loài; trong đó có 41 loài quý hiếm, gồm 295 loài thực vật phù du, 50 loài thực vật bậc cao, 73 loài rong và thực vật thủy sinh (bao gồm 7 loài cỏ biển), 119 loài động vật phù du, 215 loài động vật đáy, 361 loài cá và 137 loài chim.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai phong phú về tài nguyên và đa dạng sinh học.

Tại đầm phá, có các loài sinh vật có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế trong Danh lục đỏ của Việt Nam và Sách đỏ quốc tế của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Một số loài trong sách đỏ Việt Nam như: cá Chình hoa, cá Chình mun, cá Măng, cá Cháo lớn; rắn hổ chúa,trăn đất, trăn gấm; chim ác là, chim le khoang cổ… Các loài có tầm quan trọng quốc tế, quý hiếm hay bị đe dọa trên toàn cầu được liệt kê trong Danh lục đỏ của IUCN như: chim di cư (Sẻ đồng ngực vàng - Emberiza aureola, Choắt chân màng lớn - Limnodromus semipalmatus); bò sát (rùa hộp trán vàng); cỏ biển (cỏ Nàn)… Bên cạnh đó, có rất nhiều loài có giá trị kinh tế cao, tiêu biểu là các loài giáp xác (tôm he, tôm sú, cua bùn, ghẹ…), nhuyễn thể (ngao, vẹm, hàu, sò, ốc), cá (cá dày, cá dìa, cá đối mục, cá cơm, cá đù, bống thệ…) và rong cỏ (rong câu, rong cải biển, rong tóc, rong bún…) cung cấp nguồn lợi thủy sản, nguồn giống tôm, cá lớn cho phát triển kinh tế - xã hội khó nơi nào có được.

Quản lý và khai thác hiệu quả, bền vững

Với ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đóng góp thiết thực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đặc biệt là môi trường và tạo nguồn lợi, sinh kế bền vững cho người dân trong thời gian qua. Ngày 19/5/2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số116/KH-UBND về xây dựng dự án thành lập và vận hành khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai; qua triển khai đã nhận được dự đồng thuận và nhận thức rất cao từ chính quyền địa phương, cộng đồng người dân 05 huyện, thị xã ven đầm phá trong công tác bảo tồn và phát triển bền vững hệ đầm phá này.

Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã đóng góp không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngày 20/2/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định số 495/QĐ-UBND phê duyệt Khu bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên Huế; tạo hành lang, cơ sở pháp lý hết sức vững chắc để các tổ chức, cá nhân tham gia, nâng cao chuỗi giá trị vốn có mà Phá tam Giang - Cầu Hai đã từng mang lại. Đây là hướng đi đúng và hoàn toàn phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế và các quy hoạch chuyên ngành của tỉnh, huyện; đảm bảo tính khả thi, thực tế.

Có thể khẳng định rằng, việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai đã đánh dấu sự nỗ lực của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, sự quan tâm của các tổ chức quốc tế và sự ủng hộ của cộng đồng người dân sống xung quanh đầm phá trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học; bảo vệ, phục hồi và bảo tồn các vùng đất ngập nước quan trọng của tỉnh nói chung, đặc biệt là vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai nói riêng. Đồng thời, đánh dấu hướng đi đúng của tỉnh về xây dựng Thừa Thiên Huế là “đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa, thân thiện với môi trường và thông minh”, xứng đáng với những danh hiệu Huế được vinh danh như: Thành phố Xanh, Thành phố văn hoá Asean, Thành phố sạch của ASEAN.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Thừa Thiên Huế) khẳng định, Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai được hình thành có ý nghĩa rất lớn trong bảo tồn và phát triển hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình và quan trọng tại Việt Nam, là cơ hội để triển khai các hoạt động bảo tồn, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, cân bằng sinh thái và duy trì cảnh quan tự nhiên. Các giá trị đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn lợi sinh vật và các hệ sinh thái đặc thù trong đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, nhất là các thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, bãi giống, bãi đẻ, các loài chim hoang dã quý hiếm, chim di trú sẽ tiếp tục được bảo vệ và phục hồi.

“Việc thành lập khu bảo tồn đất ngập nước còn tăng thêm cơ hội đưa kinh tế - xã hội của địa phương phát triển theo hướng bền vững, đúng theo mục tiêu đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng, không rác thải”. Đây còn là điều kiện hỗ trợ nghiên cứu, giáo dục môi trường, phát triển sinh kế, đầu tư khai thác phát triển hiệu quả lĩnh vực du lịch sinh thái… trên cơ sở cộng đồng địa phương cùng tham gia quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững các giá trị của khu bảo tồn”, ông Hùng chia sẻ.

Đã thành lập 23 khu bảo vệ

Theo sách Địa chí Thừa Thiên - Huế, do có tính đa dạng cao về sinh cảnh, sự biến động theo mùa và thường xuyên của chế độ thủy lý, thủy hóa, nguồn dinh dưỡng tại chỗ và sông suối tải vào phong phú mà hệ sinh thái động vật Tam Giang - Cầu Hai rất giàu về thành phần loài, đặc biệt là động vật thủy sinh. Đến nay tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quyết định thành lập 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở hệ đầm phá này.

 

 

Nguồn