Minh Anh ·
49 tuần trước
 6773

Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong các vấn đề khí hậu

Quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam với Liên Hợp Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại và trong việc triển khai các mục tiêu phát triển bền vững SDGs.

Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.

Trong những năm qua, quan hệ hợp tác nhiều mặt hiệu quả giữa Việt Nam với Liên Hợp Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa. Hơn nữa, Việt Nam ủng hộ Liên Hợp Quốc phát huy vai trò trung tâm trong quản trị toàn cầu, gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển bền vững, bảo đảm quyền con người, ứng phó hiệu quả với các thách thức chung, đặc biệt là các thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh lương thực. 

Mới đây, tại buổi tiếp bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Phó Thủ tướng đánh giá cao vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc trong gìn giữ hòa bình, thúc đẩy phát triển bền vững trên thế giới, nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực hiện nay, vai trò của Liên Hợp Quốc càng trở nên quan trọng hơn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang phải ứng phó với biến đổi khí hậu nên rất cần sự chung tay hỗ trợ của Liên Hợp Quốc đối với vấn đề này, đặc biệt là việc cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đặc biệt, trong việc triển khai các mục tiêu phát triển bền vững SDGs, hai bên đều mong muốn hợp tác hiệu quả. Thời gian tới, Chính phủ sẽ giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tìm cơ chế thống nhất, có chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy hiệu quả quá trình hợp tác với Liên Hợp Quốc, đặc biệt là với các dự án triển khai Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang phải ứng phó với biến đổi khí hậu nên rất cần sự chung tay hỗ trợ của Liên Hợp Quốc đối với vấn đề này, đặc biệt là việc cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam xác định đoàn kết ứng phó biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách. Đây cũng là 'bước đi dài' để bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân và đóng góp trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế phát triển bền vững trong thời gian tới.

Điểm lại một số kết quả đạt được trong hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc, bà Pauline Tamesis đề xuất một số biện pháp tăng cường hợp tác với Việt Nam, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để Liên Hợp Quốc có thể phối hợp chặt chẽ hơn trong việc thúc đẩy hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, đặc biệt liên quan đến cơ chế quản lý.

Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai Khung chiến lược hợp tác phát triển bền vững giữa Liên Hợp Quốc và Việt Nam, bà Pauline Tamesis đề xuất các bộ, ngành Việt Nam phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan Liên Hợp Quốc nhằm có hướng rà soát, tiếp cận tổng thể, toàn diện hơn với tất cả các chương trình mục tiêu phát triển bền vững đang được thực hiện tại Việt Nam, nhằm đẩy nhanh tiến độ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc bổ sung nguồn lực với các chương trình này.

Do vị trí địa lý đặc thù cùng đường bờ biển dài hơn 3.000 km, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là từ vấn đề nước biển dâng. Theo một số nghiên cứu, nếu nước biển dâng 1 mét, 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long và 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của  20-30 triệu người dân. Chính vì vậy, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách toàn diện, quyết liệt nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, trong đó có việc tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

"Trên cơ sở những cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26 cũng như những ký kết hợp tác với nhiều tập đoàn trên thế giới về chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần phải chuẩn bị các nguồn lực để sẵn sàng cho mục tiêu tận dụng các cơ hội chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định.

Đặc biệt, Việt Nam cần đón đầu sự dịch chuyển các dòng đầu tư, tín dụng của các tổ chức tín dụng, tài chính trên thế giới; Tận dụng các cơ hội hợp tác về chuyển giao công nghệ phát thải carbon thấp, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch, khơi thông tiềm năng về năng lượng tái tạo trong đó phát triển năng lượng gió ngoài khơi. Ngoài ra có thể bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, nâng sức chống chịu của hạ tầng cơ sở, thích ứng với biến đổi khí hậu…