Thanh Tâm ·
50 tuần trước
 6812

Tuyên truyền quy định pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa những nỗ lực tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững trong dài hạn của mỗi quốc gia.

Biến đổi khí hậu đang đe dọa tới chất lượng cuộc sống của con người trên nhiều quốc gia. Chống biến đổi khí hậu là cuộc chiến của toàn cầu, đòi hỏi sự quyết tâm và hợp tác về nhiều mặt từ tất cả các quốc gia trên thế giới. Cùng với quốc tế, Việt Nam luôn nỗ lực tìm giải pháp, phối hợp để tìm giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Tình trạng này đe dọa những nỗ lực tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững trong dài hạn.

Tính dễ tổn thương của Việt Nam gia tăng do Việt Nam chịu nhiều rủi ro thiên tai, do vị trí địa lý, mô hình phát triển kinh tế và các vùng đồng bằng và ven biển với mật độ dân cư cao cũng như các nhóm dân cư là người dân tộc thiểu số tại các vùng cao và hẻo lánh. Nhiệt độ tăng, hạn hán và lũ lụt ngày càng trầm trọng, mực nước biển dâng và tần suất xuất hiện và cường độ bão tăng đe dọa tới an ninh lương thực, sinh kế và cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam.

Biến đổi khí hậu đe dọa những nỗ lực tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững trong dài hạn của mỗi quốc gia.

Việt Nam xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và đã rất tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc thực hiện kịp thời các cam kết về biến đổi khí hậu sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước.

Từ nay đến năm 2025, Bộ TN&MT sẽ sửa đổi Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Địa chất và khoáng sản, trong đó lồng ghép các nội dung thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong Quyết định số 739/QĐ-BTNMT do Bộ TN&MT vừa ban hành ngày 27/3, về Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Đề án).

Tại Hội nghị Tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Theo đó, lần đầu tiên xác định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Mục tiêu xuyên suốt, trọng tâm của Luật là bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân và thay đổi phương thức quản lý, cắt giảm thủ tục hành chính...

Đặc biệt, Luật BVMT năm 2020 bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, nhất là môi trường không khí, môi trường nước; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Tiếp đó, các văn bản quan trọng khác cũng đã được ban hành, trong đó bao gồm nhiều quy định mới trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, như: Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu...

Tính đến thời điểm này, chỉ sau hơn một năm triển khai các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon và phê duyệt các chiến lược, đề án, như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26.

Việt Nam đã nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu với việc ban hành các quy định pháp luật; các quy định pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; các nội dung trong báo cáo Đóng góp quốc gia tự quyết định cập nhật của VIệt Nam và lộ trình triển khai thực hiện; lộ trình quản lý các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính và các quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone; phát triển thị trường carbon trên thế giới và các quy định pháp luật về phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.