Ngọc Lan ·
1 năm trước
 2603

Thúc tiến độ 10 dự án giao thông cấp bách chậm giải ngân vốn đầu tư công

Tính đến cuối tháng 8/2022, có 10 dự án giao thông động lực cấp bách vẫn chưa đáp ứng được kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

10 dự án động lực, cấp bách

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, có 10 dự án giao thông trọng điểm bị chậm thi công, không giải ngân đúng tiến độ theo quy định. Trong số này có dự án hoàn toàn chưa giải ngân dù đã triển khai gần nữa năm.

Các dự án chậm giải ngân vốn đầu tư công như: Dự án cải tạo Quốc lộ (QL) 4A do Sở GTVT Lạng Sơn làm chủ đầu tư, được giao 43,5 tỷ đồng từ tháng 4/2022, đến nay chưa giải ngân; dự án cải tạo nâng cấp QL21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa (Sở GTVT Hà Nam là chủ đầu tư) mới chỉ giải ngân 10/228 tỷ đồng (4,4%), chậm 75 tỷ đồng; dự án nâng cấp QL32C đoạn Hiền Lương - TP Yên Bái (Sở GTVT Yên Bái làm chủ đầu tư) mới giải ngân 25 tỷ đồng (35,7%);

Dự án QL37 (Sở GTVT Yên Bái làm chủ đầu tư) mới giải ngân 40/121 tỷ đồng; dự án tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư) mới giải ngân 279/750 tỷ đồng (37,2%), chậm 240 tỷ đồng.

Hết tháng 8 năm nay, ngành giao thông vận tải vẫn còn 10 dự án hạ tầng cấp bách chậm giải ngân vốn đầu tư công, mặc dù Bộ GTVT liên tục có văn bản đôn đốc chủ đầu tư. (Ảnh minh họa)

Với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ mới giải ngân được 286/1.100 tỷ đồng (đạt 26%), chậm 158 tỷ đồng và đang đứng trước nguy cơ không hoàn thành kế hoạch năm 2022 hay dự án tuyến nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình gồm: đoạn qua tỉnh Hà Nam mới giải ngân 70 tỷ đồng (30,43%), còn phải giải ngân 160 tỷ đồng và đoạn qua tỉnh Hưng Yên mới giải ngân 164 tỷ đồng (30,09%), còn phải giải ngân 383 tỷ đồng.

Song song với các dự án giao thông đường bộ, 2 dự án cải tạo sân bay chưa đáp ứng yêu cầu giải ngân cũng được Bộ GTVT "điểm tên" là: Dự án cải tạo, nâng cấp sân bay Nội Bài mới giải ngân 117 tỷ đồng (62,2%), chậm 59 tỷ đồng và dự án cải tạo, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất chậm giải ngân 125 tỷ đồng, khối lượng giải ngân mới đạt 67 tỷ đồng.

Mặt khác, dự án đường sắt cấp bách nằm trong danh sách giải ngân chậm là dự án gia cố hầm yếu đoạn Vinh - Nha Trang, hiện mới giải ngân được 31 tỷ đồng, chậm 41 tỷ đồng, còn phải giải ngân 169 tỷ đồng do vướng mặt bằng chưa được xử lý dứt điểm.

Gỡ nút thắt giải ngân vốn đầu tư công

Trong nhiều nguyên nhân của giải ngân chậm, báo Quân đội Nhân dân phản ánh câu chuyện của 4 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam hiện chậm 3,7% và cho biết giá vật liệu xây dựng biến động lớn đã gây khó khăn cho chủ đầu tư quản lý giá thành. Do vậy, nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống, làm ảnh hưởng tới tiến độ và kế hoạch giải ngân.

Mặt khác, việc giải phóng mặt bằng cũng là nguyên nhân khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ nhiều năm. Đây là đánh giá của chuyên gia trên báo Pháp luật TP.HCM khi nói về tốc độ giải ngân chậm của thành phố.

Cụ thể, đối với đầu tư công, một trong những khâu quan trọng nhất là bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ người dân. Phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để bồi thường thỏa đáng cho người dân. Khu tái định cư phải đảm bảo môi trường sống, môi trường làm việc của người dân. Những vấn đề đó phải được chăm chút từng ly từng tí và phải có sự đồng hành của cả hệ thống chính trị.

Hiện chỉ còn 4 tháng nữa để thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay nhưng tiến độ tới nay còn chưa đạt được đến hơn 50%.