Hạnh Chi ·
2 năm trước
 2306

Thực trạng ở Việt Nam, kinh nghiệm QT trong xác định chi phí DV thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH

Nhóm nghiên cứu đề xuất việc xem xét đưa chi phí môi trường trở thành một phần trong tổng chi phí của hoạt động quản lý CTRSH. Đây cũng là cơ sở để xác định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH ở Việt Nam.

xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Tóm tắt: Bài báo trình bày tổng quan về thực trạng xác định chi phí cho dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ở Việt Nam. Hiện nay để tính giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH thì các loại chi phí được xem xét là những chi phí trực tiếp như chi phí lao động, thiết bị, nhà xưởng... 

Nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia về việc tính toán tổng chi phí cho hoạt động quản lý CTRSH thấy rằng, một số nước có tính tới chi phí môi trường như chi phí thiệt hại tới môi trường nước, đất, không khí; chi phí do ô nhiễm môi trường gây ra như thiệt hại tới sức khỏe con người... Từ thực trạng và kinh nghiệm của một số quốc gia, nhóm nghiên cứu đề xuất việc xem xét đưa chi phí môi trường trở thành một phần trong tổng chi phí của hoạt động quản lý CTRSH. Đây cũng là cơ sở để xác định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH ở Việt Nam.

xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Quá trình đô thị hóa, cùng với việc tăng trưởng kinh tế và dân số nhanh chóng đang tạo ra lượng chất thải ngày càng tăng cao, với khối lượng phát sinh CTRSH ở Việt Nam tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm, nhiệm vụ về quản lý CTRSH sẽ là một trong những thách thức lớn đối với công tác BVMT. Cùng với các vấn đề về môi trường và xã hội, sự phát sinh CTRSH trong thời gian qua đã làm gia tăng và mở rộng thị trường dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Bên cạnh vai trò của Nhà nước thì hiện nay các công ty tư nhân cũng đã tích cực tham gia vào lĩnh vực dịch vụ này. Tại một số địa phương trên cả nước đã có nhiều doanh nghiệp 100% vốn tư nhân đầu tư xây dựng nhà máy xử lý CTRSH. 

xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Hiện nay theo hướng dẫn, tổng chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH bao gồm chi phí trực tiếp, chi phí quản lý chung. Đây cũng được xem là cơ sở để xem xét, quyết định giá hợp đồng dịch vụ giữa Nhà nước hay chính quyền các địa phương làm đại diện và các công ty, doanh nghiệp. 

Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới cho thấy trong cơ cấu chi phí của dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH ngoài các loại chi phí cố định, chi phí quản lý chung thì có tính tới chi phí môi trường (chi phí ngoại ứng). Việc xem xét và tính toán chi phí môi trường bên cạnh việc hoàn thiện cơ cấu chi phí, hướng tới tính toán đầy đủ giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH thì còn thể hiện vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp tham gia vào dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.

xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Một trong những yếu tố quan trọng để phát triển thị trường dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH ở Việt Nam là giá dịch vụ được ký kết giữa đơn vị cung cấp và chủ nguồn thải. Hiện nay dịch vụ này ở Việt Nam đang được xem là dịch vụ công, do vậy chính quyền các địa phương sẽ là đại diện cho chủ nguồn thải như hộ gia đình để thực hiện hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Trong những năm vừa qua đã có nhiều dự án 100% vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý CTRSH trên một số địa phương như tại Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình, Cần Thơ... Và thực tế nhiều địa phương cũng đang có kế hoạch kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào hoạt động xử lý CTRSH. 

Theo quy định hiện nay UBND các tỉnh, thành phố ban hành khung giá dịch vụ tối đa thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH có sử dụng ngân sách nhà nước trên phạm vi địa phương quản lý. Ví dụ: 

Tại Hà Nội: Quyết định số 26/2018/QĐ-UBND ngày 31/10/2018 của UBND Thành phố ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; giá dịch vụ vệ sinh môi trường đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn Thành phố, Bảng 1.

Bảng 1. Tóm tắt giá dịch vụ tối đa thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP.Hà Nội từ năm 2018 [1]

xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Tại TP.HCM: Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 Quy định về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM, Bảng 2.

Bảng 2. Tóm tắt giá dịch vụ tối đa thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM từ năm 2018 [2]

xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Tại tỉnh Thanh Hóa: Quyết định số 21/QĐ-UBND ngày 4 tháng 7 năm 2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa về mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Bảng 3.

Bảng 3. Giá dịch vụ xử lý CTRSH (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) [3]

xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Việc ban hành giá dịch vụ này dựa trên Thông tư số 07/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTRSH. Theo đó giá dịch vụ này sẽ dựa trên tính toán các chi phí hợp lý, hợp lệ để xử lý CTRSH, bao gồm: chi phí vật tư trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí vật tư trực tiếp, chi phí sản xuất chung và chi phí quản lý doanh nghiệp. Và chi phí để chi trả cho dịch vụ công này sẽ lấy từ nguồn thu phí của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và được bù đắp một phần từ ngân sách nhà nước. Thực tế cho thấy có một số khó khăn và hạn chế trong thực trạng triển khai dịch vụ công này ở Việt Nam, cụ thể là: 

Thứ nhất, chưa có hướng dẫn riêng tính toán giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH. Hiện nay mới có hướng dẫn thực hiện giá dịch vụ xử lý CTRSH. 

Thứ hai, tổng hợp chi phí hợp lý và hợp lệ thực hiện dịch vụ xử lý CTRSH còn chưa đầy đủ, thiếu chi tiết. 

Thứ ba, đơn giá vật tư, định mức hao phí vật tư, đơn giá ngày công cho các loại chi phí theo quy định còn thấp. 

Những khó khăn, hạn chế này dẫn đến thực tế là giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH tại Việt Nam còn thấp, chưa thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào dịch vụ đầy tiềm năng và cơ hội này.

Trong nội dung phần 2 về kinh nghiệm quốc tế trong tính toán chi phí cho dịch vụ quản lý CTRSH dưới đây phần nào giải đáp và làm rõ hơn về cơ cấu chi phí về dịch vụ này, trong đó có phân tích nội dung chi phí về môi trường.

xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Kinh nghiệm tại một số nước cho thấy để hướng tới các mục tiêu quản lý chất thải cần phải xây dựng quy hoạch/lộ trình mang tính thực tế để quản lý chất thải trong tương lai, có xét đến tính bền vững tài chính của cơ sở hạ tầng, khả năng chi trả, cải cách thể chế, pháp lý và tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư đối với môi trường và xã hội. Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược môi trường toàn cầu (IGES) và Trung tâm Phát triển vùng Liên Hợp Quốc về quản lý CTRSH ở châu Á - Thái Bình Dương, thực trạng thực hiện quản lý CTRSH được tổng hợp ở 3 cấp độ từ thấp tới cao. Theo đó, chi phí cho thu gom vận chuyển và xử lý CTRSH ở các nước với cấp độ quản lý cao sẽ cao hơn so với các nước có cấp độ quản lý thấp. Các hệ thống quản lý CTRSH ở các quốc gia có thu nhập cao thường từ 50 - 100 USD/tấn, hoặc có thể cao hơn. Mức phí CTRSH giao động ở mức trung bình khoảng 37 USD/hộ gia đình/năm đối với các quốc gia thu nhập thấp và khoảng 168 USD/hộ gia đình/năm đối với các quốc gia thu nhập cao, Bảng 4.

Bảng 4. Tổng hợp chi phí cho quản lý CTRSH (USD/tấn) [4]

xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Nghiên cứu của nhiều tổ chức quốc tế, các nhà khoa học và từ thực tiễn của hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH cho thấy các giai đoạn của hoạt động này đều có những tác động tới môi trường ở mức độ khác nhau. 

Nước rỉ từ các bãi chôn lấp có tải lượng ô nhiễm chất hữu cơ rất cao cũng như các kim loại nặng. Nước rỉ rác nếu không được xử lý theo quy định sẽ ngấm xuống đất gây ô nhiễm đất và nước ngầm. CTRSH có thành phần hữu cơ chiếm chủ yếu. Dưới tác động của nhiệt độ, độ ẩm và các vi sinh vật, CTR hữu cơ bị phân hủy và sản sinh ra các chất khí (CH4 - 63.8%, CO2 - 33.6%), và một số khí khác. Đối với các bãi chôn lấp, ước tính 30% các chất khí phát sinh trong quá trình phân hủy rác có thể thoát lên trên mặt đất. Khi vận chuyển và lưu giữ CTR sẽ phát sinh mùi do quá trình phân hủy gây ô nhiễm môi trường không khí. Bên cạnh hoạt động chôn lấp, việc xử lý CTRSH bằng biện pháp tiêu hủy cũng góp phần đáng kể gây ô nhiễm môi trường không khí. 

xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Nghiên cứu của Kinnaman (2006) ước tính chi phí ngoại ứng của việc phát sinh khí nhà kính từ hoạt động chôn lấp CTRSH tại Mỹ là từ 5,38 $ - 8,76 $/tấn [5]. Nghiên cứu của dự án Exiopol (2009) tính toán tổng thiệt hại từ khí thải của hoạt động đốt CTRSH là 22,9 €/tấn, trong đó chủ yếu là các chất khí PM, NOx, SO2, CO2 và một số loại khí độc [6]. Nghiên cứu của Davies và Doble (2014) ước tính chi phí ngoại ứng của CTRSH tại các bãi chôn lấp là £4.6 - £6/tấn [7]. Nghiên cứu năm 2009 của tập đoàn DBA Group ước tính tổng chi phí ngoại ứng của hoạt động vận chuyển và xử lý CTRSH từ 5,38 USD - 8,76 USD/tấn bao gồm các tác động gây ô nhiễm môi trường, khí nhà kính và quá trình vận chuyển CTRSH [8].

Bảng 5. Ước tính chi phí môi trường của chôn lấp và đốt CTRSH (Euro/tấn) [9]

xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Từ những tác động làm ảnh hưởng tới môi trường là nguyên nhân chính gây ra các tác động tới sức khỏe, tính mạng của người dân và các loại tài sản. Nghiên cứu của Joseph V Spadaro (2017) thấy rằng chi phí thiệt hại đến sức khỏe của hoạt động đốt CTRSH dao động từ 4 - 45 euro/tấn và đối với bãi chôn lấp là từ 25 - 63 euro/tấn [10].

Nhận thức được vấn đề trên, ở một số nước phát triển đã lồng ghép và tính toán chi phí môi trường, chi phí xã hội trong tổng chi phí quản lý CTRSH. Chi phí gián tiếp xem xét chi phí xã hội, môi trường ví dụ chi phí tác động tiêu cực tới sức khỏe, chi phí y tế, chi phí do thu nhập bị mất, chi phí thiệt hại về tài sản… Kết quả là chi phí cho hoạt động quản lý CTRSH ở các nước phát triển, các nước có thu nhập cao thường cao hơn so với chi phí quản lý CTRSH ở các nước đang phát triển bởi trong cơ cấu tính chi phí có xem xét và tính tới các chi phí môi trường do hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.

Nghiên cứu của cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) (1977) khẳng định những chi phí của từng hoạt động quản lý chất thải rắn sẽ là cần thiết để tổng hợp chi phí của toàn bộ hệ thống và cơ quan quản lý đánh giá xem nên tự cung cấp dịch vụ hay ký hợp đồng cho dịch vụ đó [11]. Các loại chi phí trong quản lý chất thải rắn, Bảng 6.

Bảng 6. Tổng hợp các loại chi phí cho quản lý CTRSH

xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Nghiên cứu của Cristina Ghinea và Maria Gavrilescu (2016) về phân tích chi phí quản lý chất thải rắn tại Romani: Quản lý hiệu quả chất thải rắn có sự liên quan chặt chẽ giữa kinh tế và môi trường. Việc đánh giá các khía cạnh kinh tế là bắt buộc để thực hiện một hệ thống quản lý CTR hiệu quả. Nghiên cứu đã đưa ra những dữ liệu cần thiết để tính toán chi phí vận chuyển và thu gom CTR, chi phí đầu tư để xử lý chất thải rắn. Chi phí đầu tư cho một bãi chôn lấp hợp vệ sinh khoảng từ 65 - 160 €/tấn CTR. Đối với nhà máy đốt rác phát điện chi phí đầu tư khoảng từ 1.500 - 2.000 €/kilowatt. Chi phí đầu tư cho một nhà máy sản xuất phân compost có công suất 10.000 tấn/năm từ khoảng 150 - 200 €/tấn [12].

Nghiên cứu của Emmanue Kuzava, Jiquan Zhang (2019) phân tích vấn đề quản lý chất thải rắn đô thị đã tính toán chi phí xử lý chất thải rắn với hai nhóm chi phí đó là chi phí về kinh tế và chi phí về môi trường. Chi phí kinh tế bao gồm chi phí về đầu tư và vận hành nhà máy và chi phí môi trường đó là chi phí tác động do phát sinh khí CO2 từ hoạt động xử lý chất thải gây ra [13].

xử lý chất thải rắn sinh hoạt

xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Thực tế việc xem xét bổ sung chi phí môi trường vào cơ cấu chi phí hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH là xu hướng đã được các nước phát triển xem xét và triển khai trong thực tế. Việc này góp phần hoàn thiện tính tổng chi phí bảo vệ môi trường cho các tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Bên cạnh đó việc quy định bổ sung chi phí này làm tăng thêm vai trò và trách nhiệm của các tổ chức khi tham gia vào loại hình dịch vụ này. 

Mặc dù vậy việc tính toán thành tiền đối với các loại chi phí này là một việc làm tốn kém nhiều thời gian, công sức và có những yêu cầu cao về nguồn dữ liệu đầu vào. Do vậy việc nghiên cứu thật kỹ các nội dung và tìm ra phương án triển khai là quan trọng trong bối cảnh các quốc gia đang vận dụng những phương pháp tính toán, mô hình khác nhau để đưa ra con số thiệt hại bằng tiền cuối cùng.

Tài liệu tham khảo 

1. UBND TP.Hà Nội, 2018. Quyết định số 26/2018/QĐ-UBND ngày 31/10/2018 của UBND Thành phố ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; giá dịch vụ vệ sinh môi trường đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn TP.Hà Nội.

2. UBND TP.HCM, 2018. Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 Quy định về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM.

3. UBND tỉnh Thanh Hóa, 2019. Quyết định số 21/QĐ-UBND ngày 4/7/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa về mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

4. Kaza Silpa, Lisa Yao and Perinaz Bhada-Tata, 2018. What a Waste 2.0: Tổng quan Quản lý chất thải toàn cầu tới năm 2050. Chuyên đề Phát triển đô thị. Washington, DC; World Bank.

5. Thomas Kinnaman, 2006. Policy Watch: Examining the Justification for Residential Recycling, Journal of Economic Perspectives 20(4):219-232.

6. EXIOPOL Project, 2009. Final report on waste management externalities in EU25 and report on disamenity impacts in the UK.

7. Bob Davies and Michael Doble, 2004. The Development and Implementation of a Landfill Tax in the UK, in Addressing the Economics of Waste. Paris: OECD.

8. DBA Group, 2009. The full cost of landfill disposal in Australia.

9. Elbert Dijkgraaf and Herman Vollebergh, 2003. Burn or Bury? A Social Cost Comparison of Final Waste Disposal Methods.

10. Joseph Spadaro, 2017. Health burdens and economic costs of waste management practices.

11. EPA, 1977. Full Cost Accounting for Municipal Solid Waste Management: A Handbook.

12. Cristina Ghinea and Maria Gavrilescu, 2016. Costs Analysis of municipal solid waste management scenarios: Romania case study.

13. Emmanue Kuzava and Jiquan Zhang, 2019. Analyzing municipal solid waste treatment scenarios in rapidly urbanizing cities in developing countries: the case of Dar es Salaam, Tanzania.

Hàn Trần Việt (1), Trần Bích Hồng (1), Đào Văn Hiền (2)

(1) Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường

(2) Khoa Môi trường, Trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguồn: