Nghiên cứu mới cho thấy khi ấu trùng ong tiếp xúc với thuốc trừ sâu, nó có thể gây ra ảnh hưởng lâu dài và không thể phục hồi cho não của chúng khi trưởng thành. Sử dụng chức năng quét micro-CT, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những hóa chất độc hại này kìm hãm sự phát triển của ong, làm giảm khả năng tìm kiếm thức ăn khi rời khỏi tổ.
"Các đàn ong hoạt động như các siêu sinh vật, vì vậy khi có bất kỳ độc tố nào xâm nhập vào vùng kiếm ăn, chúng có khả năng gây ra vấn đề với sự phát triển của ong con trong đó. Trong trường hợp này, khi những con ong non được cho ăn thức ăn bị nhiễm thuốc trừ sâu, điều này khiến các bộ phận của não phát triển ít hơn, dẫn đến những con ong trưởng thành có bộ não nhỏ hơn và suy giảm chức năng", nhà sinh thái học Richard Gill từ Đại học Hoàng gia London nói.
Ảnh quét não một con ong trưởng thành. Ảnh: Dylan Smith/Đại học Hoàng gia London
Đến nay, các tác giả cho biết đây là lần đầu tiên nghiên cứu tác động của thuốc trừ sâu đến sự phát triển sớm ở loài ong. Trong nghiên cứu, một đàn ong được cung cấp loại mật hoa đã tẩm một loại thuốc trừ sâu được sử dụng rộng rãi là neonicotinoids. Khi một con ong trường thành bay ra khỏi tổ, khả năng học tập của nó đã được kiểm tra hai lần: ba ngày sau khi sinh và 12 ngày khi đã phát triển đầy đủ.
Để kiểm tra kỹ năng học tập của chúng, những con ong đã được ngửi cùng với phần thưởng thức ăn. Sau đó, họ đã được ghi điểm về mức độ họ có thể liên kết hai yếu tố trong suốt mười thử nghiệm. Kết quả được so sánh với một vùng kiếm ăn thứ hai không nhiễm thuốc trừ sâu và vùng thứ ba chỉ nhiễm thuốc trừ sâu khi ong đã trưởng thành. Cuối cùng, những ấu trùng tiếp xúc với thuốc trừ sâu khi lớn lên phải chịu những khiếm khuyết đáng kể trong suốt quá trình sinh trưởng và học hỏi.
Tuy nhiên, ngay cả khi những con ong chỉ tiếp xúc với thuốc trừ sâu khi trưởng thành, tác động vẫn rất nghiêm trọng. Chỉ sau ba ngày ăn mật hoa bị ô nhiễm, những con ong trưởng thành bị suy giảm khả năng học tập giống như ấu trùng đã bị phơi nhiễm trong nhiều tuần liền.
Số lượng các đàn ong đang giảm dần do biến đổi khí hậu và mất nguồn thức ăn. Ảnh: Beyond Pesticides
Quét não của gần 100 con ong từ cả ba vùng kiếm ăn, các nhà khoa học nhận thấy việc tiếp xúc với thuốc trừ sâu ở cả hai giai đoạn dù là ấu trùng hay trưởng thành đều ảnh hưởng đến một phần nhỏ của não côn trùng, được gọi là "cơ thể nấm". Cấu trúc nhỏ bé này chỉ rộng vài mm có liên quan đến việc học hỏi của côn trùng và chỉ trong ba ngày tiếp xúc với thuốc trừ sâu khi là một con ong trưởng thành, khu vực này đã không thể phát triển như bình thường.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng 72 giờ đầu tiên của quá trình trưởng thành có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển hành vi. Cần phải xem xét các giai đoạn sống khác nhau đặc biệt là giai đoạn ấu trùng của sinh vật khi đánh giá ảnh hưởng từ thuốc trừ sâu. Những con ong tiếp xúc với thuốc trừ sâu có cơ thể nấm bị teo nhỏ, chức năng của vùng não này cũng bị phá vỡ.
Trong khi hầu hết các nghiên cứu trước đây tập trung vào việc tiếp xúc với thuốc trừ sâu ở ong trưởng thành, nghiên cứu mới này cho thấy ong con cũng chịu tác động của thức ăn bị nhiễm độc. "Hiện nay đã có nhiều bằng chứng cho thấy lượng thuốc trừ sâu tích tụ bên trong các đàn ong ngày càng tăng", Dylan Smith, người nghiên cứu tác động môi trường lên côn trùng tại Đại học Hoàng gia London cho biết. Sự tăng trưởng của đàn ong đã giảm hai hoặc ba tuần sau khi tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu.
Ngày nay, loài ong đang đối mặt với một tương lai không mấy sáng sủa. Chỉ riêng trong thế kỷ trước, số lượng của chúng đã giảm hơn 30% ở cả châu Âu và châu Mỹ. Tất nhiên, không phải sự suy giảm số lượng cá thể ong đều do chịu ảnh hưởng từ thuốc trừ sâu. Ong cũng đang phải đối mặt với quá trình biến đổi khí hậu và mất môi trường sống. Nhưng tìm hiểu làm thế nào và tại sao những vùng kiếm ăn này biến mất có thể là cơ hội duy nhất để con người có những phương pháp bảo tồn các loài côn trùng thụ phấn quan trọng cho tương lai.
Theo vnexpress.net