Thành Phong ·
1 năm trước
 8196

Tiến độ dự án vành đai 2,5 Hà Nội ra sao?

Tuyến đường vành đai 2,5 có 13 đoạn, hiện Hà Nội đã hoàn thành 4 đoạn tuyến, còn lại 9 đoạn đang trong giai đoạn đầu tư và chờ đầu tư.

Tuyến đường vành đai 2,5 dài 19,41km, quy mô mặt cắt ngang rộng 40-50m. Hướng tuyến: Lĩnh Nam - Kim Đồng - Định Công - Nguyễn Trãi - Yên Hòa - Xuân Đỉnh - Phú Thượng.

Đường vành đai 2.5 giải quyết vấn đề giao thông trọng điểm của thành phố

Tuyến được chia thành 13 đoạn, trong đó 4 đoạn đã đầu tư hình thành theo quy hoạch dài 9,59km: Ngoại giao đoàn - Khu đô thị Tây Hồ Tây- Hoàng Quốc Việt - Đường 32; đoạn 2 gồm đường Dương Đình Nghệ - Trung Kính. Đoạn 3, Trần Duy Hưng - Ngụy Như Kon Tum; QL 1A - Hồ Vĩnh Hoàng.

5 đoạn tuyến đang triển khai đầu tư dài 5,97km gồm: Khu đô thị Ciputra - Nguyễn Hoàng Tôn - Ngoại giao đoàn (Nhà đầu tư khu đô thị Ciputra và Tây hồ Tây đầu tư); Đường 32 - Khu đô thị mới dịch Vọng (quận cầu Giấy làm chủ đầu tư); Đầm Hồng - Quốc lộ 1A theo hình thức PPP loại hợp đồng BT. Nút giao hầm chui Quốc lộ 1A đầu tư công, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông làm chủ đầu tư, đoạn 5 trùng với đường Lĩnh Nam do UBND quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư.

4 đoạn chưa được đầu tư xây dựng dài 3,85km gồm: Đoạn 1, Khu đô thị mới Dịch Vọng - Dương Đình Nghệ, đoạn 2 Trung Kính - Trần Duy Hưng, đoạn 3 Nguỵ Như Kon Tum - Nguyễn Trãi - Đầm Hồng, đoạn 4 Hồ Vĩnh Hưng - Lĩnh Nam.

Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của TP Hà Nội.

Trong đó, quy mô đầu tư đường Vành đai 2,5 đoạn Nguyễn Trãi - Đầm Hồng dự kiến dài khoảng 1,6 km, quy mô mặt cắt ngang nền đường khoảng 40m, bề rộng mặt đường 22,5m, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 2.570 tỉ đồng.

Đây là dự án nhóm A với nguồn vốn ngân sách thành phố, UBND quận Thanh Xuân sẽ làm chủ đầu tư dự án này. Địa điểm xây dựng dự án tại các phường Thượng Đình, Khương Trung, Khương Đình, quận Thanh Xuân. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2026.

Mục tiêu đầu tư nhằm hoàn thiện, thông suốt tuyến Vành đai 2,5, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống giao thông đô thị, phù hợp với quy hoạch tổng thể chung của TP Hà Nội. Hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông khu vực, tăng khả năng thông hành của các phương tiện tham gia giao thông.

Tại đoạn qua sông Lừ, dự án đường Vành đai 2,5 sẽ xây một cây cầu mới có mặt cắt rộng khoảng 40 mét, nằm sát cầu Định Công hiện nay.

Tuyến đường vành đai 2,5 là tuyến đường song song với quy hoạch đường vành đai 2 và đường vành đai 3, và có sự kết nối giữa những tuyến đường đã có sẵn, chủ yếu là những điểm giao thông trọng điểm của Thủ đô.

Khi tuyến đường Vành đai 2,5 hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho đường Vành đai 2 và Vành đai 3. Vì vậy, khu vực phía Nam chắc chắn có những thay đổi tích cực. Cụ thể, khi hàng loạt chung cư, công ty mọc lên ngày càng nhiều, thu hút đông đảo người lao động về đây làm việc và sinh sống.

Bên cạnh đó, đây là nơi tập trung của nhiều trường đại học như Bách Khoa, Kinh tế Quốc Dân, trường đại học Xây dựng... cùng hệ thống những bệnh viện lớn của thành phố

Có thể nói nhu cầu người dân đến đây ngày càng lớn. Nên tuyến Vành đai 2,5 sẽ giải quyết bài toán về hạ tầng giao thông, gỡ bỏ những nút ùn tắc vào giờ cao điểm, rút ngắn thời gian di chuyển của khu vực lân cận của thành phố.

Đường vành đai 2,5 được thiết kế chiều rộng 40m, 2 lòng đường với 4 làn xe chạy rộng 22m, vỉa hè rộng 7,5m. Dự án được chia làm 3 giai đoạn:
Đường vành đai 2,5 giai đoạn 1:  Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và thông tuyến từ Vĩnh Tuy - Tân Mai - Kim Đồng - Khu đô thị mới Định Công trước năm 2020;
Đường vành đai 2,5 giai đoạn 2: Mở rộng tuyến đường từ Hoàng Đạo Thúy đến Khu đô thị Tây Hồ Tây trước năm 2025;
Đường vành đai 2,5 giai đoạn 3: Thông tuyến từ Hoàng Đạo Thúy tới Khu đô thị mới Định Công trước năm 2030.