Kim Chi ·
1 năm trước
 2491

Tiền Giang: Khẩn trương xử lý, khắc phục sạt lở tuyến đê bao sông Ba Rày

Từ đầu năm 2022 cho đến nay, tuyến đê bao sông Ba Rày (Tiền Giang) liên tục xảy ra sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông, sản xuất và đời sống của người dân.

Xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới

Từ đầu năm 2022, theo ghi nhận từ ngành chức năng huyện Cai Lậy (Tiền Giang), trên hai ô bao Đông và Tây Ba Rày có tuyến sông này chảy qua địa bàn xã hiện ghi nhận được 15 đoạn sạt lở, tổng chiều dài trên 500m.

Thời điểm đó, ghi nhận có 2 đoạn sạt lở nghiêm trọng. Đoạn thứ nhất ở phía bờ Tây sông Ba Rày, cắt đứt hoàn toàn đường huyện 54C tại khu vực nhà của ông Truyện Văn Mì, Ấp 1, xã Cẩm Sơn: ghi nhận hiện trường sạt lở, đoạn đường dài hàng trăm mét đã sụp đổ hoàn toàn xuống sông.

Đoạn thứ hai ở phía bờ Đông sông Ba Rày dài trên 50m, làm mất gần phân nửa mặt đường, làm gián đoạn giao thông đường huyện 54B, khu vực nhà đất của ông Trần Văn Mỹ Thuận, Ấp 4, xã Cẩm Sơn.

Sạt lở khiến nền hạ tuyến đê Tây Ba Rày bị sạt xuống sông, chỉ còn trơ mặt đường bê tông đang có nguy cơ sụp đổ tiếp. Ảnh TTXVN

Sau khi ghi nhận hiện trường sạt lở, ngành chức năng đã nhanh chóng đưa ra phương án xử lý khắc phục. Đến nay, cả hai điểm sạt lở này đã được khắc phục xong.

Thế nhưng, theo báo cáo mới đây của UBND xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, trên tuyến đê bao Tây Ba Rày lại xuất hiện thêm ba điểm sạt lở mới và cũng gần với vị trí hai điểm sạt lở trước đó.

Cụ thể, ba điểm sạt lở mới gồm điểm sạt lở dài khoảng 30m ngang qua khu vực nhà ông Nguyễn Văn Thảo, ấp 1, xã Cẩm Sơn, xảy ra thời điểm cuối tháng 7/2022, khiến một đoạn đê bao bị sụp đổ hoàn toàn xuống sông Ba Rày. Hiện tại, giao thông qua đây bị cắt đứt, ảnh hưởng nghiêm trọng sản xuất và đời sống nhân dân.

Điểm sạt lở mới thứ hai và thứ ba tại ấp II, xã Cẩm Sơn, khu vực trước nhà ông Nguyễn Văn Xiếu và ông Nguyễn Văn Huy (liền kề nhau) vừa mới xảy ra vào các ngày 10/8 và 15/8 vừa qua. Hai điểm sạt lở này có tổng chiều dài khoảng 65m và cách điểm sạt lở tại khu vực nhà ông Nguyễn Văn Thảo (ấp I, xã Cẩm Sơn) chưa đến 500m về phía Nam.

Tại các vị trí sạt lở, toàn bộ nền hạ tuyến đê Tây Ba Rày bị sạt xuống sông, chỉ còn trơ mặt đường bêtông đang có nguy cơ sụp đổ tiếp, gây nguy hiểm cho người và phương tiện khi qua lại khu vực này. Hiện chính quyền địa phương đã cho cắm biển cảnh báo, hạn chế xe cộ qua lại, phòng tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.

Thông tin với báo chí, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Đức Thịnh cho biết lãnh đạo Sở, Chi cục và các ngành chức năng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương khảo sát thực tế các điểm sạt lở nghiêm trọng mới xảy ra trên tuyến đê bao Tây Ba Rày qua xã Cẩm Sơn.

Trên cơ sở đó, lực lượng chức năng khẩn trương lập dự án và triển khai thi công, khắc phục rốt ráo trong những ngày tới, bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản nhân dân, giảm nhẹ thiệt hại khi mùa mưa lũ tại đây đang vào cao điểm.

Đầu tư hàng chục tỷ đồng cho việc xử lý sạt lở

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, trước tình hình sạt lở diễn biến nghiêm trọng và gây thiệt hại đến đời sống người dân, địa phương huy động các nguồn lực, khẩn trương xử lý các điểm sạt lở nhằm bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân. Đặc biệt, ưu tiên tập trung nguồn vốn đầu tư cho các điểm sạt lở nghiêm trọng cần phải xử lý khẩn cấp.

Một số điểm sạt lở nghiêm trọng khiến giao thông bị chia cắt cục bộ, gây khó khăn cho người dân. Ảnh TTXVN

Theo đó, địa phương triển khai 52 công trình xử lý sạt lở trong năm 2021 chuyển sang với các công trình có tổng chiều dài gần 2.400 m, kinh phí thực hiện trên 42,3 tỷ đồng. Trước mắt, huyện đã hoàn thành đưa vào sử dụng 10 công trình, đang thi công 7 công trình và lập hồ sơ khảo sát thiết kế, tiếp tục chuẩn bị triển khai thi công thêm 35 công trình xử lý sạt lở còn lại trên địa bàn.

Do sạt lở phức tạp và kinh phí lớn nên cần có sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh; chưa kể các điểm sạt lở quy mô nhỏ do địa phương đầu tư khắc phục, UBND huyện Cai Lậy tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang hỗ trợ địa phương triển khai xử lý rốt ráo ngay từ đầu, khi điểm sạt lở còn nhỏ và việc xử lý không quá phức tạp, đòi hỏi kinh phí xử lý không lớn trong nỗ lực chủ động bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, UBND huyện UBND huyện Cai Lậy phân cấp quản lý, nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở để thực hiện khảo sát và nắm chắc thực trạng sạt lở, tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương chủ động có biện pháp phòng, chống sạt lở đê bao khu vực đất gia đình mình, tích cực hưởng ứng trồng cây xanh chắn sóng, chắn gió, nuôi giữ lục bình hạn chế sóng vừa tạo thêm bãi bồi để ngăn chặn sạt lở trên địa bàn.