Bích Ngọc ·
6 tuần trước
 9988

Tiền tiết kiệm của nhà đầu tư đang đổ mạnh vào chứng khoán?

Thanh khoản của thị trường chứng khoán (TTCK) từ đầu năm 2024 đến nay được cải thiện khá rõ rệt, với nhiều phiên giao dịch vượt mốc 30.000 tỷ đồng. Giới phân tích cho rằng, dòng tiền mới đổ vào TTCK phần nhiều xuất phát từ dòng tiền tiết kiệm của nhà đầu tư (NĐT) cá nhân.

Kết thúc tháng 2, TTCK có chuỗi tăng điểm ở tháng thứ 4 liên tiếp, vượt xa kỳ vọng của giới phân tích. Đà tăng được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu (CP) ngân hàng, nhờ vào triển vọng tích cực sau 2 quý giảm.

Nhờ kết quả kinh doanh khả quan, nhóm CP ngân hàng trở thành động lực kéo chỉ số và thanh khoản bật tăng mạnh. 

Về thanh khoản, trong tháng 2 giá trị giao dịch trung bình của sàn HoSE đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 28,3% so với trung bình 12 tháng gần nhất. Điểm nhấn thanh khoản chính là dòng tiền của các NĐT cá nhân, đã chuyển sang mua ròng mạnh với 6.495 tỷ đồng trong tháng 2. Lũy kế mua ròng 12 tháng của nhóm NĐT cá nhân cũng nâng lên con số kỷ lục 34.867 tỷ đồng.

CTCK Nhất Việt (VFS) cho biết, phần lớn dòng tiền mới xuất phát từ dòng tiền tiết kiệm có xu hướng đổ một phần vào TTCK, với kỳ vọng tỷ suất sinh lời cao hơn ngân hàng, nhưng vẫn an toàn về mặt pháp lý và tính thanh khoản cao. Ngoài ra, lãi suất thấp cũng ảnh hưởng đến tỷ suất sinh lời, do đó NĐT có xu hướng “dễ tính” hơn trong việc lựa chọn CP trong hoạt động đầu cơ và đầu tư.

Có thể nói, yếu tố giúp VN Index “thăng hoa” trong khoảng 4 tháng trở lại đây là dòng tiền rẻ từ NĐT nội. Tuy nhiên, trái ngược với dòng tiền nội, trong tháng 2 khối ngoại bất ngờ quay trở lại trạng thái bán ròng mạnh, với con số 2.769 tỷ đồng. Lý do khối ngoại bán ròng bởi thị trường đang ở vùng giá hấp dẫn để chốt lời.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Nhìn về trung và dài hạn, VDSC cho rằng trạng thái giao dịch ròng của NĐT ngoại sẽ đảo chiều tích cực trở lại, và chấp nhận trả một mức P/E cao hơn một khi các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu lộ trình cắt giảm lãi suất, và Việt Nam cải thiện các tiêu chí để được nâng hạng thị trường.

Đến thời điểm hiện tại, thị trường gần như đã phản ánh tương đối đầy đủ kết quả kinh doanh quý IV năm 2023. Trong khi đó, các thông tin nổi bật về kết quả kinh doanh quý đầu tiên của năm nay sẽ bắt đầu được quan tâm từ cuối tháng. Do đó, trong phần lớn thời gian giao dịch trong tháng 3, TTCK sẽ xoay quanh thông tin về kết quả kinh doanh quý I năm 2024 của các doanh nghiệp. Đây cũng là nhóm ngành được dự báo sẽ hút mạnh dòng tiền.

theo chuyên gia, các CP thuộc một số nhóm ngành mang tính ổn định như thực phẩm, hóa chất, bảo hiểm là những lựa chọn tương đối an toàn. Bên cạnh đó, nhóm ngành dần hồi phục như bất động sản, chứng khoán cũng là lựa chọn phù hợp khi rơi về những vùng giá hấp dẫn.

Về mặt dòng tiền, lãi suất thấp kỷ lục sẽ là động lực tăng trưởng chính, nhất là đối với NĐT cá nhân. Tiền gửi tại ngân hàng vẫn đang tiếp tục tăng do các kênh đầu tư khác khá hạn chế. Đó là giá vàng đã tăng mạnh, trong khi ngành bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cần nhiều thời gian để hồi phục.

Do NĐT cá nhân chiếm đến 92,2% khối lượng giao dịch trung bình ngày toàn thị trường năm ngoái, theo dự đoán của SSI Research, VN Index sẽ có một số bước nhảy vọt trong năm nay nhờ dòng vốn này.

Trong quá khứ, ở vùng định giá P/E 14x như hiện tại, thị trường khó có khả năng tiến xa hơn nếu thiếu sự tham gia mạnh mẽ của NĐT nước ngoài.Chính vì vậy, giới phân tích nghiêng về kịch bản đà tăng của chỉ số sẽ giảm tốc và thị trường sẽ trải qua giai đoạn giằng co nhiều hơn.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7528133657246325/?