Thanh Tâm ·
2 năm trước
 3646

Tiếp tục rà soát, tháo gỡ những vướng mắc của Luật Đất đai

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một dự án luật lớn, có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký ban hành Nghị quyết số 111/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2022. Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện 4 dự án Luật: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Tại Phiên họp này, Chính phủ tập trung thảo luận, cho ý kiến 4 dự án Luật hết sức quan trọng, là các dự án Luật lớn, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rộng và tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, doanh nghiệp và đời sống nhân dân, nhất là dự án Luật Đất đai (sửa đổi); kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Theo đó, việc sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể hóa chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả.

Việc sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.

Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai cần tiếp tục quán triệt các quan điểm, yêu cầu: Thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao…

Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là sửa đổi toàn diện có tác động đến nhiều Luật khác trong hệ thống pháp luật, do đó, cần tiếp tục rà soát tổng thể để sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ những vướng mắc của Luật Đất đai, các Luật liên quan, bảo đảm sự thống nhất, tính đồng bộ giữa Luật Đất đai với các Luật có liên quan.

Chính phủ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để địa phương chủ động, phát huy trách nhiệm trong phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế của từng địa phương gắn với trách nhiệm, thẩm quyền được giao; giảm cấp trung gian, tăng tính tự chịu trách nhiệm của địa phương; đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất.

Với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các Thành viên Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan, tập trung hoàn thiện dự án Luật về 10 vấn đề xin ý kiến Chính phủ và các nội dung khác của dự thảo Luật.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công phát biểu khai mạc Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đất đai là một trong những đạo luật lớn, quan trọng, tác động sâu rộng tới đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta.

Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện, Luật Đất đai 2013 đã thực hiện được “sứ mệnh” của mình, khi tạo ra khung khổ pháp lý hoàn thiện hơn trong lĩnh vực đất đai, nguồn lực đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể sử dụng đất; xây dựng và phát triển thị trường quyền sử dụng đất...

Trước đó, góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, phạm vi sửa đổi Luật Đất đai lần này gồm nhiều mục tiêu. Đầu tiên, xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) để thể chế hoá, đầy đủ, đồng bộ các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết của Đại hội XIII cũng như Nghị quyết 18. Bên cạnh đó là những lập trường, quan điểm, chủ trương của Luật phải dựa trên Hiến pháp và cương lĩnh.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm một bước để đồng bộ với thể chế phát triển kinh tế thị trường, làm rõ nội hàm về định hướng xã hội chủ nghĩa. Tức là trong từng bước, từng nấc thực hiện các chính sách chủ trương lớn về kinh tế xã hội.

“Nhà nước, doanh nghiệp, người dân cần phải thống nhất vấn đề sửa bộ luật này để phát huy tốt hơn nguồn lực đất đai”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Việt Nam sẽ có bản đồ về giá đất đai

Năm 2025, Việt Nam sẽ có cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó, có bản đồ về giá đất. Khi hoàn thành xong việc đo đạc, các thửa đất đều được thể hiện trên bản đồ địa chính, gắn với giá đất thu thập hàng ngày.

“Tôi nghĩ trong vòng 5 năm, Việt Nam sẽ có hệ thống định giá đất mới. Còn hiện nay, chúng ta phải kết hợp các phương pháp định giá”, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho hay.

Luật Đất đai năm 2003 đã xác lập định giá đất thông qua các phương pháp tiên tiến để tiếp cận, phù hợp với giá thị trường. Sau 10 năm, tới năm 2013, Luật đặt ra vấn đề áp dụng các phương pháp định giá đất theo 5 phương pháp định giá, như so sánh, thặng dư, thu nhập, chiết trừ và hệ số...

Việt Nam sẽ hướng tới việc xây dựng bản đồ địa chính dữ liệu thông tin về giá đất, trong đó, sẽ có những thông tin, dữ liệu về giá của tất cả các giao dịch thông qua sàn đấu giá, đấu thầu... Khi có bản đồ này, đây sẽ là giá thực, đầy đủ thông tin nhất về giá của từng thửa đất được giao dịch. Khi có bản đồ này, người dân, doanh nghiệp có thể hàng ngày theo dõi thông tin giá đất.