Ngọc Lan ·
32 tuần trước
 9861

Tìm hiểu nhiên liệu hóa thạch là gì, tại sao lại gây hại cho môi trường?

Nhờ những ứng dụng hữu ích mà nhiên liệu hóa thạch đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống và nền kinh tế toàn cầu.

Tuy đem đến cho con người nhiều lợi ích về kinh tế, đời sống và xã hội nhưng nhìn theo góc nhìn về môi trường, nhiên liệu hóa thạch lại đang tàn phá bầu khí quyển Trái đất nặng nề.

Nhiên liệu hóa thạch là gì?

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Nhiên liệu hóa thạch được hiểu đơn giản chính là những chất có trong lớp vỏ Trái đất như than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên, phiến dầu, nhựa đường, cát hắc ín và dầu nặng. Thành phần của chúng đều chứa hàm lượng cao hydrocarbon và carbon. Nhiên liệu hóa thạch có nguồn gốc hình thành từ xác thực vật và động vật chết. Trải qua quá trình phân hủy kỵ khí và địa chất kéo dài hàng trăm triệu năm, xác sinh vật biến đổi thành nhiên liệu hóa thạch đúng như tên gọi của nó.

Hầu hết các chất chứa carbon xuất hiện trước Kỷ Devon khoảng 419,2 triệu đến 358,9 triệu năm trước đều có nguồn gốc từ tảo và vi khuẩn. Trong khi đó, các chất chứa carbon xuất hiện trong và sau Kỷ Devon đều có nguồn gốc thực vật.

Than, dầu và khí tự nhiên là những chất đặc trưng nhất của nhiên liệu hóa thạch. Than thường được tìm thấy trong các khối đá trầm tích với từng lớp xác động thực vật xen kẽ với đá. Hơn 50% trọng lượng của một khối than có nguồn gốc từ thực vật hóa thạch. Dầu là dạng chất rắn nằm giữa các lớp đá trầm tích ở sâu trong lòng đất, sau đó qua quá trình tinh chế, dầu sẽ trở thành chất lỏng. Còn khí tự nhiên chủ yếu được tạo ra từ khí metan, nó thường được tìm thấy và khai thác trong các mỏ khí đốt hoặc mỏ dầu.

Nhiên liệu hóa thạch dùng để làm gì?

Các nhiên liệu hóa thạch có thể đốt trong không khí để tạo ra nhiệt. Nhiệt lượng này có thể dùng trực tiếp hoặc gián tiếp để phục vụ sản xuất và đời sống của con người như lò nung hay chạy máy phát điện, kích hoạt động cơ...

Dầu đang là nhiên liệu hóa thạch lên ngôi trong thế kỷ 21.

Bắt đầu từ cuộc Cách mạng Công nghiệp ở Anh vào nửa sau thế kỷ 18, nhiên liệu hóa thạch đã được tiêu thụ với tốc độ ngày càng tăng. Ngày nay, có tới 80% tổng năng lượng mà các nước công nghiệp phát triển tiêu thụ đều có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch. 

Do sức khai thác nhanh trái ngược với tốc độ hình thành quá lâu, nguồn nhiên liệu hóa thạch trên thế giới hiện nay đang bị giới hạn. Nhiên liệu hóa thạch là nguồn tài nguyên không thể tái tạo và phải mất rất nhiều triệu năm sau mới hình thành lại. Mặc dù có nhiều mỏ nhiên liệu hóa thạch mới được phát hiện nhưng số lượng đó cũng không đủ đáp ứng cho nhu cầu sử dụng nhiên liệu ngày một tăng cao trên toàn cầu.

Tác hại đối với môi trường khi đốt nhiên liệu hóa thạch

Việc đốt nhiên liệu hóa thạch có tác động rất lớn đến môi trường. Tùy theo loại mà chúng sẽ có tác hại khác nhau. Đặc điểm chung của các nhiên liệu hóa thạch đó là giải phóng ra khí carbon khi đốt, lượng khí carbon này được phát thải vào bầu khí quyển làm nên hiệu ứng nhà kính. Khi nhiệt độ không được giải phóng, bầu khí quyển của Trái đất ngày một nóng hơn, từ đó thúc đẩy quá trình biến đổi khí hậu. Theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization - WHO), biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất với sức khỏe của con người trong thế kỷ 21.

Ngoài ra việc đốt nhiên liệu hóa thạch còn tạo ra axit sulfuric và axit nitric. Những chất này khi gặp hơi nước ở trên cao sẽ trở thành mưa axit, gây hại đến sức khỏe con người, phá hủy môi trường sống của cây trồng và sinh vật, đồng thời làm xói mòn các công trình kiến trúc.

Trong nhiên liệu hóa thạch cũng chứa chất phóng xạ như uranium và thorium. Vì thế, khi đốt nhiên liệu hóa thạch, bầu khí quyển của Trái đất cũng phải tiếp nhận lượng phóng xạ độc hại này.

Đốt và khai thác nhiên liệu hóa thạch không chỉ gây hại tới môi trường mà còn đe dọa tới hệ sinh thái.

Thế giới đang kêu gọi hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch để bảo vệ môi trường.