Ngày 3/1, tại Họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt 2,75 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6,75% so với đầu năm và chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế.
Trong đó, tín dụng phục vụ mục đích kinh doanh bất động sản chiếm tỉ trọng 36%, tăng 22% so với đầu năm; riêng tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng bất động sản chiếm 64% trong tổng dư nợ cho vay bất động sản, 0,7% so với đầu năm.
Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt 2,75 triệu tỷ đồng.
Lý giải về việc tín dụng phục vụ mục đích kinh doanh bất động sản tăng mạnh, bà Hà Thu Giang cho rằng là nhờ các giải pháp của ngành ngân hàng, của Chính phủ và các bộ ngành liên quan trong thời gian vừa qua đã bắt đầu phát huy tác dụng, qua đó tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản nói chung và phân khúc nhà ở xã hội nói riêng.
Nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành về lĩnh vực bất động sản của năm 2023 là thúc đẩy triển khai đề án xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. Đến nay đã có 26 tỉnh thành công bố danh mục nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo chung cư cũ với tổng số 58 dự án.
Tham gia triển khai chương trình này có 4 ngân hàng thương mại nhà nước là Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV với mức cam kết dành khoảng 120.000 tỷ đồng, mỗi ngân hàng 30.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã cam kết sẽ dành 5.000 tỷ đồng cho chương trình này.
Theo số liệu được cập nhật đến cuối tháng 11, các ngân hàng tham gia chương trình đã cấp tín dụng cho 12 dự án với tổng số tiền vốn cam kết là 5.000 tỷ đồng và đã được giải ngân 428 tỷ đồng.
Dù tăng đáng kể so với so với thời điểm cách đây ba tháng nhưng sau hơn nửa năm triển khai, tỉ lệ giải ngân của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn diễn ra khá chậm, chỉ đạt 0,35% tổng quy mô gói tín dụng.
Việc tỷ lệ giải ngân diễn ra chậm được bà Giang nhận định là đề án kéo dài đến năm 2030 nên quá trình triển khai sẽ còn diễn ra trong thời gian tới. Hơn nữa với sự quyết liệt của các bộ, ngành trong việc tháo gỡ các khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội, thì tiến độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng trong thời gian tới sẽ được thúc đẩy.
Nói thêm về chương trình cho vay 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, bà Giang chia sẻ, sau gần 5 tháng triển khai, đến cuối tháng 11/2023, các ngân hàng thương mại đã thực hiện cho vay theo Chương trình với doanh số giải ngân đạt gần 11.000 tỷ đồng cho gần 4.200 lượt khách hàng vay vốn, chiếm trên 73% tổng số tiền cam kết cho vay theo chương trình.
Liên quan đến chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, sau gần 8 tháng triển khai Thông tư 02 (lũy kế từ ngày 24/4/2023 đến 30/11/2023), bà Giang cho biết, tổng giá trị nợ gốc và lãi được tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 171.083 tỷ đồng, với 175.581 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.