Bích Ngọc ·
37 tuần trước
 6366

Những ngân hàng nào có tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất nửa đầu năm 2023?

Có nhiều ngân hàng thương mại đặt mục tiêu trong năm 2023 tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 10-17%. Tuy vậy, một nửa chặng đường đã qua, nhưng so với cùng kỳ năm trước không ít ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng âm.

Theo thống kê kết quả kinh doanh của khối ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2023, có đến 10/27 ngân hàng thương mại tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế âm so với cùng kỳ năm 2022.

Ngân hàng CPTM Bản Việt (BVB) là ngân hàng đứng đầu hệ thống ngân hàng về mức giảm lợi nhuận mạnh nhất 6 tháng đầu năm. Theo đó, tỷ lệ sụt giảm tới 89% so với cùng kỳ năm 2022. Được biết, BVB báo lãi trước thuế 6 tháng chỉ gần 39 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm 2022, ngân hàng này báo lãi trước thuế 353 tỷ đồng.

BVB cho hay, năm 2023 là một năm còn nhiều khó khăn tác động đến nền kinh tế. BVB thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, liên tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Trong khi đó, chi phí vốn đầu vào tăng cao do tác động của những biến động thị trường từ tháng 10/2022 khiến cho chi phí phải trả lãi tiền gửi 6 tháng đầu năm tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Chính vì thế, so với cùng kỳ năm 2022, thu nhập lãi thuần 6 tháng giảm 24%.

Những ngân hàng thương mại có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận âm 6 tháng đầu năm 2023, đi lùi so với cùng kỳ năm trước. Nguồn: Internet.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây theo định hướng chiến lược của Ngân hàng là tiếp tục mở rộng mạng lưới, gia tăng nhận diện thương hiệu, đầu tư nguồn lực lớn cho hoạt động bán lẻ, làm cho chi phí hoạt động so với cùng kỳ quý II/2023 tăng 34% và 6 tháng tăng 15%. Ngoài ra, so với cùng kỳ năm trước  chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 6 tháng đầu năm tăng 59% cũng làm lợi nhuận của ngân hàng giảm.

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB - Mã chứng khoán: NVB) là nhà băng có tốc độ sụt giảm lợi nhuận mạnh thứ hai. NCB chỉ thu về vỏn vẹn 5,8 tỷ đồng trong 6 tháng, bằng 28% lợi nhuận của 6 tháng đầu năm 2022 (tức là giảm 71,4% so với cùng kỳ).

Do chi phí vốn tăng cao (chi phí trả lại tăng 72% so với cùng kỳ), trong khi nguồn thu nhập từ các hoạt động dịch vụ lại suy giảm đến 89%. Lợi nhuận trước thuế của NCB có thể thấp hơn rất nhiều con số 5,8 tỷ đồng nếu như không cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng so với cùng kỳ, thậm chí không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận âm.

Ngân hàng TMCP An Bình (ABB) ở vị trí thứ 3 khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 638 tỷ đồng (sụt giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái).

Cũng giống như hầu hết các ngân hàng khác, nguyên nhân của biến động giảm lợi nhuận 6 tháng so với cùng kỳ là tăng chi phí vốn khi phải chi trả lãi tiền gửi cao (+99,6%) từ cuối năm 2022. Bên cạnh đó, nhà băng này đã tăng trích lập dự phòng tín dụng theo Thông tư số 11/2021/TT-NHNN để chủ động xử lý rủi ro trong thời gian tới.

Xét về giá trị, lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã chứng khoán: VPB) sụt giảm mạnh nhất hệ thống ngân hàng, so với cùng kỳ giảm 7.294 tỷ đồng, tương đương mức giảm 48% và so với kế hoạch lợi nhuận năm 2023 đã đề ra đầu năm thì chỉ đạt 21,5%.

Dù chi phí vốn của VPB tăng cao, chi phí trả lãi tiền gửi khách hàng tăng "khủng" 117,5% so với cùng kỳ, tuy nhiên khoản thu nhập từ hoạt động lõi là cho vay cũng tăng mạnh (+50%) cùng các khoản lãi từ đầu tư chứng khoán, bão lãnh, nghiệp vụ mua nợ... do đó thu nhập lãi thuần của nhà băng này gần như đi ngang,  so với cùng kỳ không có biến động nhiều.

Chênh lệch lợi nhuận của VPB 6 tháng đầu năm đến từ việc: tăng chi phí trả lương và phụ cấp cho nhân viên, chi phí bảo hiểm tiền gửi khách hàng, lỗ từ kinh doanh ngoại hối, tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng...

Trong top 5 nhà băng sụt giảm lợi nhuận nhất còn có Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB), trong đó tỷ lệ suy giảm lợi nhuận là 32%, báo lãi trước thuế 2.446 tỷ đồng, hoàn thành 40,8% kế hoạch năm 2023.

Những ngân hàng khác có tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận âm, giảm đến 2 con số còn có Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) (giảm 26,2% so với cùng kỳ) ; Ngân hàng TMCP Đông Á (SeAbank - SSB) (giảm 25%); Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - TPB) (giảm lợi nhuận 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái)...

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là chi phí vốn cao dẫn đến hao hụt thu nhập lãi thuần, dẫn đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng biến động mạnh.

Theo nhận định của Chuyên gia của CTCP Chứng khoán SSI, trong năm 2023  tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng có thể đạt 13,7%, bằng một nửa tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2017-2021 (28%) và cao hơn mức tăng trưởng giai đoạn 2014-2015 (11,3%).

Trong kịch bản thận trọng, thậm chí SSI còn dự báo trong năm nay tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng có thể chỉ ở mức 10%.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6731000180293014/?