Minh Anh ·
16 tuần trước
 8887

Tỉnh nào đứng đầu xếp hạng Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường?

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Quyết định số 4161/QĐ-BTNMT phê duyệt và công bố kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PEPI 2022).

Theo kết quả đánh giá, Đà Nẵng đứng đầu trong 63 tỉnh thành cả nước về thực hiện bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI) với tổng điểm 73,33 điểm. Đây là năm thứ hai liên tiếp thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng.

Các vị trí tiếp theo là tỉnh Bắc Kạn với 70,29 điểm; Lạng Sơn với 65,62 điểm; Bắc Ninh với 65,29 điểm; Tiền Giang với 65,22 điểm.

Theo bảng xếp hạng này, Hà Nội xếp thứ 46 với 55,70 điểm; TP. Hồ Chí Minh xếp thứ 19 với 60,80 điểm. Bên cạnh đó, 5 tỉnh/thành phố có tổng điểm Bộ chỉ số thấp nhất là Bạc Liêu (47,04 điểm), Đắk Lắk (49,05 điểm), Yên Bái (49,76 điểm), Vĩnh Phúc (50,12 điểm) và Bình Thuận (51,63 điểm).

Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu về thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường.

Bộ chỉ số PEPI của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây cũng là công cụ đánh giá hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, khuyến khích nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Căn cứ kết quả đánh giá, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt, có giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, cải thiện kết quả thực hiện Bộ chỉ số PEPI ở những năm tiếp theo.

Bộ chỉ số PEPI được cấu trúc thành hai nhóm: Nhóm 1 là nội dung đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường được thực hiện thông qua đánh giá kết quả thực hiện 22 chỉ số thành phần. Nhóm 2 là nội dung đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống, gồm 8 tiêu chí/vấn đề về chất lượng môi trường liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Trên thế giới, việc áp dụng Bộ tiêu chí, chỉ số liên quan đến đánh giá, xếp hạng công tác bảo vệ môi trường đã trở nên phổ biến. Ở cấp độ toàn cầu, Bộ chỉ số đánh giá hoạt động môi trường (EPI) được áp dụng chính thức từ năm 2008. Đến nay, Bộ chỉ số này vẫn dùng để đánh giá, xếp hạng kết quả hoạt động môi trường cho hầu hết các nước trên thế giới với định kỳ hai năm một lần.

Dựa trên Bộ chỉ số EPI này, từ năm 2010, Trung Quốc và Malaysia đã xây dựng Bộ chỉ số đánh giá hoạt động môi trường riêng phù hợp với điều kiện của mỗi nước để tiến hành đánh giá, xếp hạng cho các bang, tỉnh của quốc gia. Ngoài ra, Bộ chỉ số thành phố xanh (Green City Index) đã được áp dụng tại một số nước khu vực châu Âu, châu Mỹ, châu Á hay Bộ chỉ số Địa phương xanh (Green Province Index) cũng đã được thực hiện tại Canada và Hoa Kỳ...

Ở Việt Nam, thời gian qua, đã có một số Bộ chỉ số trong nhiều lĩnh vực được nghiên cứu, xây dựng, ban hành và triển khai phục vụ mục đích đánh giá, so sánh, xếp hạng giữa các địa phương, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức của các Bộ, ngành như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, ngành và địa phương (Par Index); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Sipas); Bộ chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với các dịch vụ công; Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng công tác quản lý an toàn thực phẩm trong nông nghiệp; Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chỉ số thành phố thông minh; chỉ số đô thị xanh; Bộ chỉ số đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo...

Theo Minh Anh/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7261503927242634