Ngọc Khôi ·
2 năm trước
 3756

Tômtex - Những mảnh "da" được làm từ vỏ hải sản và bã cafe

Tômtex là một loại da sinh học có tính chất như da thật và do Uyên Trần, nhà thiết kế vật liệu dệt phát triển. Loại da được làm hoàn toàn từ phế phẩm và có khả năng tái chế hoặc phân huỷ sinh học sau khi hết "tuổi thọ". Loại da này được tạo ra như thế nào?

Tômtex là một loại vật liệu sinh học mềm dẻo có tính chất như da động vật và có khả năng phân huỷ sinh học. Đồng thời công ty sản xuất ra nó cùng tên và có trụ sở tại New York, do Uyên Trần - nhà thiết kế vật liệu dệt gốc Việt Nam phát triển.

tômtex

Tômtex được làm từ vỏ hải sản bỏ đi trộn với bã cafe. Công ty Tômtex làm việc với một nhà cung cấp tại Việt Nam, người thu gom các loại vỏ tôm, cua và tôm hùm phế thải cùng với vảy cá, để chiết xuất ra một chất tạo màng sinh học gọi là chitin. Chất này được tìm thấy trong vỏ ngoài của côn trùng và động vật giáp xác, khiến chúng vừa cứng vừa dẻo cùng lúc.

Sau đó chất này sẽ kết hợp với cafe phế thải được thu gom từ các quán cafe địa phương. Hỗn hợp này được nhuộm bằng cách sử dụng các màu tự nhiên từ than, cafe hay đất đỏ, để tạo ra nhiều lựa chọn màu sắc khác nhau. Sản phẩm được làm khô bằng nhiệt độ phòng, không cần dùng thiết bị, do đó tiết kiệm điện năng và giảm lượng khí thải carbon. Ngoài ra, có thể phủ một lớp sáp ong lên bề mặt nếu muốn tạo ra vật liệu chống thấm, sau khi hết hạn sử dụng hoàn toàn có thể tái chế thành sản phẩm mới mà vẫn giữ nguyên chất lượng hoặc phân huỷ sinh học.

tômtex

Loại chất liệu sinh học này cho cảm giác mềm, mịn và dẻo như chất liệu cao cấp là da thật để có thể khâu bằng tay hoặc bằng máy. Chất liệu sinh học này có thể tạo nên nhiều kiểu hoa văn trên bề mặt da như da cá sấu, da cá… tuỳ theo yêu cầu nên có thể dùng thay thế cho da động vật trong ngành công nghiệp thời trang.

Nhà thiết kế vật liệu dệt Uyên Trần cho biết đã mất 6 tháng để ổn định nguyên mẫu đầu tiên của da TômTex. Ban đầu, mẫu thử hoàn toàn trong suốt, không có bất kì màu sắc hay kết cấu hoạ tiết bề mặt nào. Đối với số đông, có lẽ nguyên mẫu đó trông giống với một miếng bọc nhựa dẻo tự nhiên hơn là da thuộc.

Uyên Trần hiện đang sinh sống và làm việc tại New York, Mỹ. Cô là người chiến thắng của giải thưởng Sáng tạo CFDA’s Design Scholar K11, sinh viên thời trang trường Parsons School of Design. Cô chia sẻ: “Tôi sinh ra tại thành phố Đà Nẵng, nơi chủ yếu sản xuất hàng dệt may từ da. Da được sử dụng trong rất nhiều ứng dụng trong các ngành công nghiệp khác nhau nhưng mọi người trên thế giới đang phải chịu đựng sự ô nhiễm mà ngành công nghiệp này gây ra.”