Thành Phong ·
1 năm trước
 3478

Tổng kết công tác tài nguyên môi trường toàn quốc 2022

Năm 2022, ngành tài nguyên và môi trường đã chủ động triển khai công tác quy hoạch, đề xuất các cơ chế đặc thù để có những đóng góp làm nên những những chuyển biến, đóng góp cho phát triển đất nước và từng địa phương.

Tại Hội nghị giao ban công tác tài nguyên môi trường toàn quốc năm 2022 và triển khai công tác 2023. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết:  Năm 2023 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm bản lề quan trọng trong chặng đường thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Đây là năm sẽ rà soát kế hoạch, chương trình của ngành, tập trung hoàn thiện thể chế và cũng là thời điểm ngành TN&MT thực hiện phương châm chủ động toàn diện trong xây dựng chính sách, trong tổ chức thực hiện, trong hội nhập quốc tế, tận dụng các thời cơ từ các xu thế thời đại, trong phòng ngừa các nguy cơ để tạo sự chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ, đóng góp cho phát triển.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác tài nguyên môi trường toàn quốc năm 2022 và triển khai công tác 2023.

Năm 2022 với đầy khó khăn thách thức nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, đặc biệt là nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của các địa phương, của toàn ngành với phương châm "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển" và 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, toàn ngành đã đạt được các thành tựu nổi bật.

Bộ đã hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch kịp thời trong phản ứng chính sách, chủ động đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bằng thể chế, tạo thêm động lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của quốc gia.

Cùng với đó, ngành đã phát huy các nguồn lực tài nguyên, môi trường với mức đóng góp trên từ gần 25% thu nhân sách nội địa, trong đó riêng thu từ đất đai đã chiếm 20% ngân sách, có những địa phương chiếm 30-40%.

Cả nước đã hoàn thành xử lý triệt để 372/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 91% số KCN đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường. Số vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường gây ô nhiễm môi trường giảm 65,38% so với năm 2021.

Tỷ lệ người dân quan ngại về môi trường giảm mạnh (từ 12,53% năm 2016 xuống 4,03% năm 2021 xuống còn 1,55% năm 2022), các ngành công nghiệp tái chế phát triển đạt mức tăng 11,3% so với năm 2021.

Chỉ số hài lòng của người dân doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường đạt 88,46%, tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai tiếp tục giảm 2,6%.

Chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh, đến nay, đã hoàn thành triển khai kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu đất đai với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ở 56/63 tỉnh/thành phố với dữ liệu của 309/705 đơn vị cấp huyện, 4.267/10.599 đơn vị cấp xã. Có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện liên thông thủ tục đất đai với các tổ chức tín dụng trong thanh toán nghĩa vụ tài chính.

Báo cáo của Bộ TN&MT cũng cho biết, về cải cách hành chính của Bộ năm 2021 (Paindex) đạt 87.14/100 điểm xếp thứ 6/17 Bộ, cơ quan ngang bộ; chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI 2021) xếp thứ 7/17 Bộ, cơ quan ngang bộ (tăng 8 bậc).

Nhận định về năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, những vấn đề khó khăn khách quan vẫn tồn tại, tiếp tục tạo nhiều thách thức tác động đến các quốc gia trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục tiếp tục đặt trọng tâm năm 2023 là năm “Chủ động, hội nhập, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả” để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho tương lai bền vững.

Trọng tâm năm 2023 của ngành TNMT là "Chủ động, hội nhập, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả"

Trong đó, Bộ TN&MT đề ra những nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, phát huy các nguồn lực tài nguyên; Đẩy mạnh chuyển đổi xanh, từng bước phục hồi các hệ sinh thái; Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong thập kỷ phát triển bền vững; Hiện đại hóa công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn phục vụ phát triển KT-XH, phòng chống thiên tai;

Triển khai kế hoạch hành động thực hiện cam kết chính trị với các đối tác, tận dụng các thời cơ, chuyển hóa các thách thức, đưa đất nước phát triển trên con đường xanh, chủ động ứng phó trước các thách thức của BĐKH; Hiện đại hóa hạ tầng không gian địa lý; ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát tài nguyên và môi trường;

Đổi mới đồng bộ thể chế phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy theo chức năng nhiệm vụ và tổ chức mới;

Hoàn thiện, đưa vào vận hành đồng bộ hệ thống hạ tầng thông tin, dữ liệu, mạng lưới quan trắc; thực hiện chuyển đối số ngành tài nguyên và môi trường; Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực thi pháp luật, đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc từ thực tiễn.

Những kết quả toàn diện, nổi bật của ngành Tài nguyên và Môi trường đã góp phần quan trọng cùng với Chính phủ, cả nước hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2022.