Đình Thắng ·
2 năm trước
 1410

TP.HCM: Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xanh từ những dự án năng lượng

Thông qua các dự án năng lượng, chuyên gia kỳ vọng thúc đẩy tiến trình tăng trưởng xanh của TP.HCM thông qua đẩy mạnh các giải pháp năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu, là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện cho các quốc gia.

Mới đây, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam đã thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND TP.HCM khởi động một dự án nhằm thúc đẩy các giải pháp năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả, nhằm giải quyết những thách thức về năng lượng đô thị của thành phố.

Thông qua Dự án năng lượng mới này, Giám đốc Quốc gia USAID Việt Nam Aler Grubbs kỳ vọng thúc đẩy tiến trình tăng trưởng xanh của TP.HCM thông qua đẩy mạnh các giải pháp năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả. Từ đó, thu hút nguồn đầu tư xanh giúp mang lại một môi trường xanh sạch hơn và chi phí năng lượng thấp hơn cho người dân, đồng thời tiếp tục củng cố vai trò đầu tàu của TP.HCM đối với nền kinh tế xanh của Việt Nam.

Kỳ vọng thúc đẩy tiến trình tăng trưởng xanh của TP.HCM thông qua đẩy mạnh các giải pháp năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả.

 

Theo đó, Dự án Hỗ trợ kỹ thuật năng lượng phân tán đô thị Việt Nam với ngân sách 14 triệu USD do USAID tài trợ. Cơ quan này sẽ phối hợp với UBND TP.HCM và Đà Nẵng cải thiện công tác quy hoạch đô thị liên quan đến năng lượng sạch, huy động đầu tư và tích hợp các giải pháp năng lượng sạch vào hệ thống điện.

Các giải pháp bao gồm điện mặt trời áp mái, xe điện, điện rác và các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả khác. Riêng đối với TP.HCM, thông qua sự phối hợp với Sở Công Thương, dự án dự kiến sẽ hỗ trợ triển khai ít nhất 400 megawatt năng lượng sạch, huy động tối thiểu 540 triệu đô la đầu tư công và tư nhân. Cùng với đó, đưa ra thị trường ít nhất 15 giải pháp sáng tạo, nhằm giải quyết các vấn đề về năng lượng đô thị. 

Dự án được khởi động dựa trên nền tảng hỗ trợ của USAID dành cho Việt Nam trong những năm qua trong quá trình Việt Nam chuyển đổi sang năng lượng sạch. Cụ thể, trong 5 năm qua, hỗ trợ của USAID dành cho các cơ quan quản lý của chính phủ, các ngân hàng, nhà đầu tư và các nhà phát triển dự án tư nhân đã giúp thúc đẩy đầu tư vào điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam với tổng giá trị hơn 300 triệu USD.

Bên cạnh đó, USAID cũng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng Quy hoạch Điện VIII, trong đó đặt ra tầm nhìn tổng thể và các nguyên tắc hoạt động cho ngành điện Việt Nam từ năm 2021 đến năm 2030. USAID cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để xây dựng tiêu chuẩn về mức hiệu suất năng lượng tối thiểu nhằm giảm tiêu thụ năng lượng trong sản xuất công nghiệp.

Những năm qua, TP.HCM đã triển khai nhiều mục tiêu nhằm thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững kinh tế, hướng tới việc đưa thành phố trở thành trung tâm tài chính của châu Á – Thái Bình Dương.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, TP.HCM đã tích cực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng số và đẩy mạnh hợp tác trong các hoạt động chống biến đổi khí hậu, phát triển nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và xây dựng các đô thị thông minh, đô thị sinh thái…

Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 642/QĐ-TTg ngày 26/5/2022 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, việc lập quy hoạch TP.HCM bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021 – 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của cả nước, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Đồng thời, quy hoạch Thành phố phải gắn với tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM là đô thị thông minh, trình độ phát triển ngang tầm với các thành phố lớn khu vực Đông Nam Á và Châu Á, tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên cơ cấu kinh tế hiện đại với nguồn nhân lực chất lượng cao và yếu tố đổi mới sáng tạo là trung tâm, có trình độ khoa học công nghệ phát triển và đời sống của người dân ở mức cao.

Việt Nam đang nỗ lực một cách hết sức tổng thể và quyết liệt trong thúc đẩy tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu để triển khai các cam kết tại COP26; coi mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch và tái tạo là xu thế phát triển tất yếu của thế giới cũng như đối với Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, cần có giải pháp toàn cầu, lấy người dân làm trung tâm; nhấn mạnh chuyển đổi năng lượng cần phải bảo đảm nguyên tắc công bằng.