Cụ thể, UBND TP. HCM giao UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, hướng dẫn công tác triển khai thực hiện Quyết định số 3709/QĐ-UBND ngày 2/11/2022 về Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP. HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” giai đoạn năm 2022-2025.
UBND TP. HCM yêu cầu các địa phương phải chủ động phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng rà soát, dự báo lượng chất thải phát sinh tại các khu vực công cộng để kịp thời điều chỉnh, xây dựng dự toán kinh phí thu gom, vận chuyển lượng chất thải phát sinh tại các khu vực này. Tăng cường kiểm tra, giám sát khối lượng chất thải phát sinh tại nguồn và chất lượng dịch vụ của các đơn vị đang thực hiện thu gom, vận chuyển trên địa bàn để đảm bảo toàn bộ chất thải phát sinh được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định nhằm tránh nguy cơ ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường tại các điểm hẹn, trạm trung chuyển và các nơi công cộng trên địa bàn.
Việc kiểm soát, quản lý hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt trở thành vấn đề cấp bách của chính quyền TP. HCM.
Tăng cường rà soát, quản lý chặt các chủ nguồn thải nhỏ lẻ, hộ gia đình, đảm bảo tất cả các chủ nguồn thải nêu trên tham gia ký hợp đồng thu gom rác thải đầy đủ với các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom rác tại nguồn nhằm tránh hiện tượng vứt rác bừa bãi ra môi trường. Bên cạnh công tác tuyên tuyền cần đẩy mạnh biện pháp xử phạt hành chính (thông qua việc trích xuất hình ảnh từ các camera trên địa bàn) để tăng tính răn đe. Chủ động phối hợp với các Sở ngành liên quan để đề xuất phương án bố trí, sử dụng nguồn kinh phí thu được từ việc xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường để chi bồi dưỡng phụ cấp cho các lực lượng tại địa phương tham gia ngăn chặn các hành vi xả rác, đổ trộm chất thải trái phép.
Sở Giao thông vận tải chủ động phối hợp với UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức rà soát, xác định rõ phạm vi, khối lượng thực hiện đối với các gói thầu quét dọn, vệ sinh đường phố đảm bảo không có sự chồng chéo, trùng lấp khối lượng giữa các đơn vị.
Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ chủ động phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức phương án bố trí, sử dụng nguồn kinh phí thu được từ việc xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường để chi bồi dưỡng phụ cấp, khen thưởng cho các lực lượng tại địa phương tham gia ngăn chặn các hành vi xả rác, đổ trộm chất thải trái phép.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan khẩn trương tham mưu, trình UBND Thành phố phân cấp cho UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức tiếp tục thực hiện công tác đấu thầu quét dọn vệ sinh đường phố, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và quản lý điểm hẹn, trạm trung chuyển trên địa bàn. Chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM, UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh môi trường; cập nhật, tổng kết, báo cáo UBND Thành phố định kỳ hàng tháng về các điểm tồn đọng trên địa bàn để xem xét, chỉ đạo.
Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP. HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” giai đoạn năm 2022-2025 đã được ban hành, mục tiêu trong giai đoạn 2022-2023, thành phố tiếp tục thực hiện và duy trì 100% phường, xã, thị trấn tổ chức đối thoại với người dân về thực trạng vấn đề vệ sinh môi trường trên địa bàn. Trên cơ sở đó, tuyên truyền, vận động ý thức người dân bảo vệ môi trường; lắng nghe những góp ý, hiến kế trong công tác quản lý lĩnh vực môi trường. Giai đoạn này, thành phố phấn đấu giải quyết 100% các kiến nghị của người dân theo thẩm quyền của phường, xã, thị trấn.
Ngoài ra, chính quyền thành phố đặt mục tiêu phấn đấu giải quyết dứt điểm 100% các điểm ô nhiễm môi trường do tồn đọng rác thải; không để tái phát và phát sinh thêm điểm ô nhiễm; tăng tỉ lệ chuyển hóa điểm ô nhiễm thành các khu sinh hoạt cộng đồng. Song song, phấn đấu 70% phường, xã, thị trấn có ít nhất một công trình phát triển mảng xanh tại các khu dân cư hiện hữu.
Trong giai đoạn 2024-2025, TP. HCM tiếp tục duy trì và giữ vững các chỉ tiêu đã đạt được trong giai đoạn 2022-2023 và phấn đấu nhiều mục tiêu quan trọng khác. Cụ thể, phấn đấu 100% phương tiện thu gom rác sinh hoạt tại nguồn được chuyển đổi, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng vệ sinh và bảo vệ môi trường theo quy định; 100% khu phố, ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch; 100% phường, xã, trị trấn đạt tiêu chí “phường, xã, thị trấn sạch, xanh và thân thiện môi trường”.
Xử lý rác thải đang là vấn đề cấp bách của TP. HCM Số liệu thống kê lượng rác thải do Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cung cấp cho thấy khối lượng rác sinh hoạt bình quân 0,98 kg/người/ngày. Tương đương, mỗi ngày thành phố thải ra khoảng từ 9.000 đến 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt và cũng là đô thị có lượng rác thải lớn nhất trên cả nước. Tính đến năm 2021, TP. HCM là nơi có dân số đông nhất cả nước, hiện đã đạt hơn 9 triệu người đối với những người cư trú đăng ký hộ khẩu (nếu tính cả những người cư trú không đăng ký hộ khẩu thì dân số thực tế của TP. HCM khoảng hơn 14 triệu người) với tốc độ gia tăng dân số của thành phố trung bình 2,28%/năm, tỷ lệ gia tăng chất thải rắn sinh hoạt khoảng từ 6 % đến 10%, dự kiến đến năm 2025 tổng khối lượng rác thải sinh hoạt của TP. HCM sẽ đạt khoảng 13.000 tấn/ngày. Từ thực tế cho thấy, rác thải tại TP. HCM đã và đang gây áp lực lớn đến môi trường và việc kiểm soát, quản lý hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt trở thành vấn đề cấp bách của chính quyền thành phố. |