Duy Thật ·
2 năm trước
 2935

TP.HCM tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định về phê duyệt Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP giai đoạn 2020 - 2030.

Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, trong đó tập trung vào công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa và các công nghệ tiên tiến để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản.

Đồng thời, nâng tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030 chiếm từ 75% - 85% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố; Trên 70% hộ nông dân, trên 80% doanh nghiệp ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mang tính công nghệ cao về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch...

mô hình trồng rau thuỷ canh

Mô hình trồng rau thủy canh tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Mặt khác, phấn đấu đến năm 2030 trên 30% hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; cập nhật thông tin kiến thức về tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ năng thực hành ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Hỗ trợ cho việc hình thành và hoạt động có hiệu quả doanh nghiệp trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực cây trồng, chăn nuôi và thủy sản.

Để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM đề ra một số giải pháp. Cụ thể, quy hoạch và mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu, vùng sản xuất phát triển giống và nông nghiệp công nghệ cao. Nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. 

Cùng với đó, tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng nhanh kết quả nghiên cứu tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất giống, quy trình sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất.

Mặt khác, tập trung đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghệ giống cây trồng, vật nuôi; công nghệ canh tác trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch.

Ngoài ra, nâng cao năng lực quản lý, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, đẩy mạnh cải cách, hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư sản xuất, nâng cao khả năng hội nhập quốc tế.

Nguồn